Chúng tôi đến nhà anh Hoàng Ngọc Tân, thôn Bản Ó, xã Xuân Lạc vào lúc anh đang tất bật với công việc thu hoạch, chế biến măng. Lúc đảo măng đang sấy, lúc thì vớt măng ra phơi …công việc không ngừng nghỉ. Anh cho biết, chế biến măng khô từ măng mai thì gia đình anh đã làm từ nhiều năm nay, tuy nhiên cũng chỉ luôn phụ thuộc vào thời tiết, nếu trời mà mưa thì gặp khó khăn trong công đoạn sấy măng và màu măng không được đẹp, ảnh hưởng đến giá bán. Theo anh Tân, để măng được đẹp và sản phẩm khi làm ra đạt tiêu chuẩn thì quan trọng là phải chọn được măng to đều, sau khi lấy măng về phải được luộc ngay trong vòng từ 1- 2 tiếng tùy độ dày, hay mỏng của măng. Tiếp đó vớt ra để nguội và chọc vào tâm củ măng cho ráo nước rồi cho vào lò sấy từ 8 đến 10 tiếng. Khi đó, vỏ măng đã se lại và dẻo, khi bổ ra miếng măng không bị nứt rời, măng được cho vào ép tiếp khoảng 1 ngày cho ráo nước. Rồi lại tiếp tục cho vào lò sấy, khi đó măng đã khô nước khoảng 80%, măng được đem ra ép phẳng, lúc này mới được cho vào lò sấy khoảng từ 8-12 tiếng. Sản phẩm măng ra lò nhìn phải vàng đều, bắt mắt và có mùi thơm đặc trưng của măng khô. Anh Tân cho biết thêm: “Anh xây dựng lò sấy măng này để phục vụ nhu cầu sấy măng của gia đình và bà con. Khi chọn măng làm măng khô phải chọn măng to đều, không quá già. Khi sấy phải tuân thủ đúng theo các bước để măng đạt tiêu chuẩn vàng đều, đẹp, đảm bảo chất lượng”.
![]() |
Anh Hoàng Ngọc Tân – thôn Bản ó- Xã Xuân Lạc luôn bận rộn với công việc vào mỗi vụ thu hoạch Măng Mai |
Nhận thấy thị trường măng khô từ cây Mai có hiệu quả, Năm 2017, xã Xuân Lạc đã thành lập được hợp tác xã chế biến măng khô, khi mới thành lập có 05 thành viên. UBND xã đã hỗ trợ xây 05 lò sấy măng theo đúng tiêu chuẩn, mỗi lò được hỗ trợ 03 triệu đồng được trích từ nguồn vốn sự nghiệp của xã. Nhà anh Hoàng Ngọc Tân cũng được hỗ trợ làm 01 lò sấy măng theo đúng tiêu chuẩn.
Hiện nay gia đình anh Tân chuyên thu mua măng tươi từ bà con trong xã về để chế biến măng khô. Trung bình mỗi cân măng tươi được bán với giá từ 3 – 4 nghìn đồng, còn măng luộc được bán với giá 5 nghìn đồng/kg. Măng mai Xuân Lạc còn được nhiều tư thương ở trong và ngoài huyện tìm đến thu mua tại xã.
Thống kê của xã Xuân Lạc, hiện nay, trên địa bàn xã có trên 300ha trồng cây Mai lấy măng, có 7/14 thôn của xã trồng cây mai này. Cây mai được trồng trong khoảng từ năm thứ 3 là bắt đầu có măng. Thời điểm thu hoạch tốt nhất là khi măng mọc cao từ 30 đến 40 cm.Theo tính toán, năm 2017, năng suất cây măng mai đạt 40 tạ/ ha, như vậy, xã Xuân Lạc sẽ thu khoảng 1 nghìn 200 tấn măng tươi, chế biên được khoảng 87 tấn măng khô. Với giá trung bình 120 nghìn đồng /kg thì sẽ thu về khoảng trên 10 tỷ đồng từ măng mai. Đây thực sự là con số cho thu nhập đáng kể của một xã nghèo như Xuân Lạc.
![]() |
Cây Măng Mai đã tạo thu nhập khá cho bà con vào mỗi vụ thu hoạch măng |
Ông Ma Duy Phi Hùng, chủ tịch UBND xã Xuân Lạc đánh giá: “Xã Xuân Lạc có tiềm năng thế mạnh là đất đồi , núi đá, rất phù hợp với trồng cây có măng, đặc biệt là cây măng Mai. Thời gian tới UBND xã Xuân Lạc phối hợp với Hợp tác xã Cao Phong tuyên truyền , vận động và nhân rộng mô hình trồng măng Mai này trong nhân dân. Tập trung chăm sóc cây măng đã trồng, tiếp tục xây dựng lò sấy đảm bảo đúng tiêu chuẩn, đảm bảo măng sấy đạt măng khô thơm để đưa ra thị trường tiêu thụ.”
Có thể nói từ nhiều năm nay cây măng mai ở Xuân Lạc là cây trồng chủ lực giúp bà con nông dân trong xã vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Theo nghị quyết của Đảng bộ xã, thời gian tới sẽ đẩy mạnh việc mở rộng diện tích, đồng thời chủ động phối hợp để tạo đầu ra qua đó nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Khâu chế biến măng hoàn toàn bằng thủ công, sản phẩm măng khô của của bà con Xuân Lạc có đến đâu được tiêu thụ đến đó. Nếu làm tốt việc quy hoạch vùng nguyên liệu và huy động được nguồn lực trong chế biến, cây măng mai sẽ tạo sự chuyển biến trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần xóa đói, giảm nghèo tăng thu nhập và làm giàu cho nông dân và góp phần phủ xanh rừng Xuân Lạc, cũng như một số địa phương khác của huyện Chợ Đồn./.