Thường trực UBND tỉnh kiểm tra tình hình sâu ong hại Mỡ tại huyện Chợ Đồn

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra tình hình gây hại và trực tiếp chỉ đạo công tác diệt trừ sâu ong tại thôn Nà Cà, xã Nghĩa Tá. Đây là một trong những địa phương có diện tích cây mỡ bị thiệt hại nặng nhất của xã Nghĩa Tá cũng như của huyện Chợ Đồn.

Ngay sau khi phát hiện sâu ong bùng phát gây hại tại 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo Ngành Nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cung ứng hơn 5.000 tấn  thuốc hóa chất diệt trừ Diazol 3G. Đến ngày 17/12, toàn bộ số thuốc này đã được cấp phát cho tất cả các hộ gia đình bị sâu ong phá hoại nặng phục vụ cho công tác diệt trừ sâu ong.

Làm việc với lãnh đạo UBND huyện và Ngành Nông nghiệp huyện Chợ Đồn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND đề nghị chính quyền huyện tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong những ngày cuối năm 2012.

Bên cạnh đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Chợ Đồn tiếp tục tập trung chỉ đạo các địa phương tập trung xử lý triệt để tình trạng sâu ong hại mỡ, không để sâu hại bùng phát, gây thiệt hại lớn cho các diện tích trồng mỡ trên địa bàn.

Trước mắt, chính quyền cơ sở cần lưu ý khuyến cáo, vận động nhân dân tích cực thực hiện biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn của ngành chuyên môn, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc diệt trừ một cách hiệu quả.

Hiện nay đang là thời điểm sâu ong xuống đất làm nhộng nên rất thích hợp để sử dụng thuốc Diazol 3G diệt trừ. Đối với những diện tích rừng bị nhiễm sâu ong nặng, ngành chức năng cần hướng dẫn người dân thực hiện xới quanh gốc cây, độ sâu khoảng 7 – 10 cm, chu vi rộng hơn hình chiếu tán lá 25 – 50cm, sau đó rắc thuốc Diazol 3G lên mặt đất. Đối với những diện tích bị hại 100% thì rắc thuốc toàn bộ diện tích, diện bị hại rải rác thì rắc thuốc ở chỗ cây bị hại. Thời gian rắc thuốc hiệu quả nhất là trong tháng 12/2012 và đầu tháng 1/2013.

Ngoài việc triển khai biện pháp diệt trừ đặc hiệu đối với những diện tích bị gây hại nặng, đối với những diện tích có mật độ và tỷ lệ gây hại nhẹ hơn, cần lưu ý người dân sử dụng các biện pháp thủ công như gom nhặt, ngắt bỏ ổ trứng và sâu non đem tiêu huỷ; thường xuyên phát quang, xử lý thực bì để tránh sự trú ngụ của sâu.

Ngoài ra, các địa phương cần chú trọng công tác kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện diễn biến mới của sâu hại để có biện pháp phòng trừ hiệu quả./.

Bài trướcKỳ họp thứ 5 HĐND huyện Chợ Đồn khóa XVIII
Bài tiếp theoLớp bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho hội Cựu chiến binh cơ sở