Quýt Bắc Kạn – sản phẩm nông nghiệp “sạch”

 

 Quýt Bắc Kạn – sản phẩm nông nghiệp “sạch”

 

Hưởng ứng phong trào trồng quýt của xã Đông Viên, bà Nguyễn Thị Đào thôn Cốc Lùng đã sử dụng nguồn đất soi bãi của gia đình để trồng. Gia đình có khoảng 70 cây quýt, trong đó khoảng 50 cây đã có quả, hiện nay  đang tiếp tục hái quả để bán, với giá bán giao khoảng 5.000đ- 10.00 đồng/1 kg, giúp gia đình có một khoản thu đáng kể.

Bà Đào chia sẻ: cũng giống như nhiều gia đình khác của xã, gia đình bà đã tuân thủ hướng dẫn của ngành chuyên môn trong việc trồng, chăm sóc cây quýt, đặc biệt thu hái đúng thời vụ, không sử dụng chất bảo quản để giữ quả.

Ông Đinh Quang Đào, trưởng thôn Cốc Lùng cũng cho biết thêm, hiện nay thôn ông có khá nhiều hộ trồng quýt. Mùa thu hoạch quýt, bà con thêm phấn khởi, bởi vì các hộ dân có thu nhập, hộ ít nhất cũng từ 10 triệu đồng, hộ trồng nhiều thu nhập trên 50 triệu đồng. Là trưởng thôn nên ông luôn tuyên truyền, vận động bà con tuân thủ nguyên tắc chăm sóc và bảo quản quýt sau thu hoạch, theo đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn, không sử dụng thuốc bảo quản để giữ quả gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đó cũng là cùng nhau góp phần giữ gìn thương hiệu quýt Bắc Kạn.

Cây quýt vốn là cây ăn quả đã được người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trồng từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, nhận thấy triển vọng lớn của cây quýt đối với công tác xóa đói giảm nghèo, tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong gieo trồng, nhân giống, mở rộng diện tích, nhờ đó diện tích trồng cây quýt đã tăng qua từng năm. Đến nay đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung tại 3 huyện Bạch Thông, Chợ Đồn và Ba Bể.

Là loại quả có hình tròn dẹt, vỏ nhẵn, khi chín có màu vàng tươi, dễ bóc tách, múi to đều mọng nước, tép màu vàng rơm, không nát, có vị chua dịu, mùi thơm đặc trưng. Bà con thường không dùng chất kích thích trong quá trình chăm sóc cũng như hóa chất bảo quản sau thu hoạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên rất được người dân địa phương và các tỉnh lân cận ưa chuộng. Cuối tháng 12/2012, quýt Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, huyện Chợ Đồn có các xã Rã Bản, Đông Viên, Phương Viên (huyện Chợ Đồn). Ngoài các xã này, đến nay, bà con đã mở rộng thêm việc trồng quýt ở một số xã khác như: Đại Sảo, Ngọc Phái,…

Những ngày này bà con vẫn đang tích cực thu hoạch quýt, hàng ngày thương lái đến thu mua vận chuyển đi nhiều tỉnh thành như Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Nội, Lạng Sơn… Tại chợ trung tâm thị trấn Bằng Lũng sản lượng tiêu thu quýt mỗi ngày tăng cao do giá bán hợp lý hơn nữa đây là loại quả dễ bóc lại không dùng hóa chất bảo quản nên người dùng yên tâm khi sử dụng. Có thể thấy, Quả Quýt Bắc Kạn đang ngày càng khẳng định được thương hiệu cũng như giá trị kinh tế trên thị trường. Quả quýt được trồng tại các xã của huyện Chợ Đồn cũng đang hướng tới thương hiệu đó, nó sẽ là một trong nhiều loại cây ăn quả chủ lực để giúp bà con vươn lên làm giàu./.  

Bài trướcCựu chiến binh Triệu Tài Thọ tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình
Bài tiếp theoChị Nông Thị Tâm – năng động trong phát triển kinh tế