Phát triển kinh tế từ cây quế

 

Cây quế được người dân xã Đại Sảo trồng từ những năm 90 của thế kỷ trước trong dự án PAM, lúc đó người dân mới chỉ có suy nghĩ “ trồng cây, đổi lấy gạo” lo cái ăn cái mặc trước mắt chứ chưa hề biết đây sẽ là một loại cây trồng giúp họ thoát khỏi đói nghèo. Mới đầu người dân mới chỉ trồng được khoảng 40 ha, sau đó diện tích trồng ngày càng cao hơn, bà con trồng tập trung ở hai thôn Nà Ngà và Nà Luông của xã Đại Sảo. Do điều kiện đất tốt, khí hậu thuận lợi lại hợp với sự phát triển của cây quế nên năm 2000 người dân bắt đầu được khai thác tỉa. Từ những lần đầu khai thác này thấy có hiệu quả kinh tế, không ai bảo ai, người dân bắt đầu trồng quế, bà con trồng ở các diện tích đất đồi, trong vườn nhà, ở bờ ao, ven chân đồi.

Gia đình ông Phạm Văn Uyển, thôn Nà Ngà, xã Đại Sảo có  diện tích vườn quế rộng 1,9 ha trồng từ năm 1991 theo dự án định canh định cư đã được gia đình khai thác, Đợt khai thác quế này gia đình ông Uyển bán trọn gói được 400 triệu đồng cộng với những lần khai thác tỉa trước khoảng 100 triệu đồng. Vậy là sau khoảng 20 năm trồng quế với sự chăm sóc theo khoa học kỹ thuật, từ vườn quế này gia đình ông có thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Ngoài vườn quế đã cho  khai thác, gia đình ông Uyển cũng đang có khoảng 6 ha quế 5 tuổi, nếu như bán được giá như hiện nay thì số diện tích trên sẽ cho thu nhập vài trăm đến một tỷ đồng. Như vậy từ loại cây trồng này đang  giúp gia đình ông Uyển ngày càng có cuộc sống ổn định, sung túc hơn.

 Khai thác cây quế còn tạo thu nhập cho  nhỉều nhân công lao động

của địa phương

 

Quế là loại cây trồng sống dai, chịu được sâu bệnh và không tốn nhiều công chăm sóc, hai năm đầu khi tán quế chưa rộng  thì có thể trồng xen cây ngắn ngày như sắn, ngô, lúa nương…. Quá trình chăm sóc chỉ cần làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh, sau 10 năm có thể cho khai thác, quế thường thu hoạch vào tháng 3 đến tháng 8 trong năm, lúc đó quế mới róc vỏ và chất lượng sản phẩm mới cao. Từ vỏ, cành, thân đến lá cây quế đều có thể sử dụng và bán được với giá cao.

 Ông Phạm Văn Uyển, thôn Nà Ngà, xã Đại Sảo cho biết: So với một số loại cây trồng khác như: Keo, Mỡ thi hiệu quả kinh tế từ trồng cây quế đạt cao hơn vì có thể bán được cả lá đặc biệt cây  quế lúc nào cũng bán được giá. Gia đình công cũng thực hiện chăm sóc theo khoa học kỹ thuật như phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại, phát quang để quế phát triển tốt.. 

 Người dân xã Đại sảo phơi vỏ quế


Hiện nay nếu tính giá bán lẻ, trung bình 1kg vỏ quế tươi có giá 10.000đ, thân cây tính theo đầu vanh, vanh từ 70 trở lên với giá bán 2 triệu 600 nghìn đồng/mét khối, vanh dưới 70 là 1 triệu 300 nghìn đồng/khối,  lá quế cũng có thể bán được với giá 1.000đ/kg. Như vậy trung bình 1ha trồng quế có thể bán được khoảng 300 triệu đồng. Tại Xã Đại Sảo số hộ dân trồng quế chiếm khá cao, sau mỗi đợt khai thác quế, các gia đình mua sắm được các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền như tivi, tủ lạnh, xe máy,… điều đó đang nói lên rằng cây quế đang trở thành cây trồng mũi nhọn giúp họ có cuộc sống ngày càng no ấm hơn. Thu nhập từ cây quế góp phần giúp cho công tác xoá đói giảm nghèo của xã chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm, năm 2012 là 11,2% đến nay giảm xuống còn 7,04%, nhiều thôn không còn có hộ nghèo. Năm 2014, để giúp người dân phát triển kinh tế từ trồng rừng, huyện đã tích cực chỉ đạo nhân dân trồng theo dự án 147 đồng thời khuyến khích nhân dân trồng nhiều loại cây khác nhau và cây quế tiếp tục là cây trồng được người dân của huyện đặc biệt là xã Đại Sảo lựa chọn để trồng. Theo thống kê, năm 2014 toàn huyện đăng ký trồng cây quế trên 500 ha.

 Giá trị của cây quế ngoài cho thu nhập đối với người trồng, ở mỗi đợt khai thác các chủ rừng hay  thương lái thu mua quế còn tạo thêm  nhiều công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Những nhân công lao động này, hàng ngày có thể cho thu nhập từ 120.000đ đến 150.000đ/người/ngày, góp thêm nguồn thu cải thiện cuộc sống gia đình. Với những vườn quế như thế này đã giúp người dân từng bước thay đổi cuộc sống, góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái, giữ đất, giữ nước ở những vùng đồi dốc. Đây chính là mục tiêu mà cấp uỷ đảng, chính quyền huyện Chợ Đồn hướng tới xây dựng một địa phương ngày một phát triển giàu mạnh./.

Bài trướcXã Bằng Phúc với chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển kinh tế
Bài tiếp theoXã Lương Bằng tập trung xây dựng nông thôn mới