LỄ KỶ NIỆM 6O NĂM NGÀY THÀNH LẬP XÃ PHONG HUÂN (28/4/1958 – 28/4/2018)

Cùng dự buổi lễ có các đồng chí: Phạm Xuân Vũ – Trưởng ban Tuyên giáo Đảng uỷ Các cơ quan tỉnh Bắc Kạn; Đồng chí: Ma Thị Na – Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Chợ Đồn; Đồng chí: Triệu Đức Phú – Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Chợ Đồn; Đồng chí: Dương Văn Hoàn – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Chợ Đồn; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng ủy, Chính quyền, Mặt trận, đoàn thể của xã qua các thời kỳ cùng đông đảo bà con nhân dân trong xã. Đồng chí Nông Văn Chín – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã đã trình bày trước buổi lễ  bài diễn văn ôn lại lịch sử 60 năm hình thành và phát triển của xã Phong Huân.

            Đồng chí Nông Văn Chín – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã

        đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập xã Phong Huân

Nội dung bài diễn văn của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Phong Huân tại lễ kỷ niệm:

Phong Huân là một trong những xã nằm ở phía Nam, cách trung tâm huyện Chợ Đồn 16 km, với diện tích 2588 km2, dân số 1070 người, mật độ dân số 41 người/km2, được chia làm 6 thôn: Bản Cưa; Nà Tấc, Pác Cộp, Nà Chợ, Nà Mạng, Khuổi Xỏm.

          Phía Bắc giáp xã Bằng Lãng, xã Đại Sảo

          Phía Đông giáp xã Đại Sảo, xã Yên Mỹ

          Phía Nam giáp xã Yên Nhuận

          Phía Tây giáp xã Bình Trung, xã Nghĩa Tá

          Theo lịch sử để lại, trải qua bao thăng trầm, biến cố, từ ngày thành lập đến nay vùng đất Phong Huân có nhiều thay đổi với những tên gọi khác nhau.

          Ban đầu, xã Phong Huân ngày xưa thuộc về vùng đất Tuyên Hoá, tên cổ nhất của huyện Định Hoá tỉnh Thái Nguyên. Theo “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, tên gọi ấy có từ thời Lê mạt, khi triều đình phong tước cho ông Lâm Duy Minh sau khi đánh tan quân bắc triều (nhà Mạc) trấn giữ vùng đất xa xôi hẻo lãnh này vào khoảng đầu thế kỷ XVII, tên Phong Huân được đặt từ hồi đó.

          Trong kháng chiến chống Pháp: sau khi thành lập Uỷ ban Việt minh tổng Nghĩa Tá, 4 xã trong tổng Nghĩa Tá được đặt tên bí mật là: xã Nghĩa Tá gọi là khu Hưng Đạo; xã Lương Bằng được gọi là khu Bạch Đằng; xã Yên Nhuận gọi là khu Bình Trọng; xã Phong Huân gọi là khu Quang Toản.

          Ông Nông Văn Như làm Chủ tịch Uỷ ban lâm thời xã Phong Huân từ ngày 14/4/1945 – 14/5/1945. Ông Trương Văn Bổn được bầu làm Chủ tịch Việt minh khu Quang Toản, ông Hoàng Văn Truyền là Uỷ viên phụ trách thủ quỹ.

          Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, nhân dân được hưởng quyền tự do, dân chủ do cách mạng đem lại, đồng bào các dân tộc trong xã hăng hái tham gia mọi mặt công tác do chính quyền cách mạng đề ra, trước hết là 10 chính sách của Mặt trận Việt minh.

          Tổng Nghĩa Tá được chia làm 2 xã: Vùng dân tộc Dao gọi là xã Thắng Lợi, vùng người Tày gọi là xã Thành Công, Ủy ban Hành chính xã được thành lập gồm 7 người do ông Ma Văn Quốc làm Chủ tịch, ông Nguyễn Đình Tịnh làm Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban được phân công phụ trách các ban ngành: Ban Bình dân học vụ, Ban Canh nông, Ban Quân sự, Ban Văn hóa tư tưởng, các cơ quan đoàn thể như Phụ nữ, Thanh niên, Mặt trận được củng cố thêm một bước.

          Từ thực tiễn đấu tranh cách mạng giành và củng cố chính quyền một đội ngũ cán bộ cách mạng thuộc các dân tộc trong xã từng bước trưởng thành về nhiều mặt. Sự lớn mạnh của phong trào cách mạng cũng như nhiệm vụ xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân lúc này cũng đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của Đảng.

          Ngày 2/3/1946, đồng chí Ma Văn Định ở Pác Cộp và đồng chí Ma Văn Tâm ở Nà Giỏ được kêt nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (chuẩn y đảng viên chính thức vào ngày 27/10/1946), đây là 2 đảng viên Cộng sản đầu tiên của xã. Từ đây phong trào cách mạng của xã có thêm hạt nhân lãnh đạo trực tiếp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

          Là một xã miền núi nằm sâu trong rừng Việt Bắc, có địa thế hiểm trở cách xa quốc lộ, lại giành được chính quyền sớm (tháng 3/1945) nên Phong Huân là một trong những địa điểm được Trung ương chọn làm nơi tiếp nhận các cơ quan, công xưởng của Trung ương, Chính phủ và Liên khu di chuyển đến. Chấp hành Chỉ thị của Liên khu và tỉnh, sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Ủy ban Kháng chiến của huyện và xã được thành lập. Sau đó cuối năm 1947, Ủy ban Kháng chiến và Ủy ban Hành chính được hợp nhất thành Ủy ban Kháng chiến Hành chính.

          Ở xã Thành Công lúc này cũng được tách ra làm 2 xã là: Là xã Thắng Lợi và xã Thành Công.

          Xã Thành Công gồm các thôn: Quảng Bình (Bình Trung), Khau Pa, Yên Nhuận, Chỉ Mỹ, Phong Huân. Đồng chí Nông Ngọc Tiền làm Bí thư chi bộ, đồng chí Nguyễn Đình Tịnh làm Chủ tịch, chính quyền xã được kiện toàn và các ban ngành được đặt ra như Ban Văn hóa, Ban Giáo dục, Ban An ninh, Ban Quân sự được củng cố các ban bắt tay vào hoạt động ngay. Trước mắt là quả lý hộ tịch, hộ khẩu, đấu tranh với các tệ nạn xã hội, bảo mật phòng gian, cấm người đến mua bán thuốc phiện, đánh bạc. để thông tin được thông suốt khi cần thiết với các xã bạn, Ủy ban Kháng chiến Hành chính đã lập một Ban Giao thông hỏa tốc, lập tuyến giao liên từ xã lên huyện gồm 12 người, trong đó Phong Huân có 3 người.

           Công tác xây dựng Căn cứ địa cách mạng được tiến hành toàn diện về các mặt: Xây dựng cơ sở chính trị, quân sự, kinh tế, địa điểm các cơ quan Trung ương sẽ chuyển đến. Con đường từ Đèo So (Định Hóa, Thái Nguyên) lên Chợ Đồn ra Bắc Kạn qua địa phận Phong Huân, Yên Nhuận đã trở thành con đường huyết mạch của công cuộc chuẩn bị kháng chiến.

          Ngày 24/4/1947, Ủỷ ban Kháng chiến Hành chính xã họp đề ra một số nhiệm vụ trong đó nhấn mạnh công tác tổ chức dân quân tự vệ, xã Phong Huân thành lập được 7 tiểu đội nam dân quân gồm 84 người, 6 tiểu đội nữ dân quân gồm 51 người.

          Tháng 8 năm 1947, Tỉnh uỷ Bắc Kạn tiến hành một đợt chấn chỉnh các Châu uỷ (Huyện uỷ) bằng hình thức chỉ định (mỗi Châu uỷ gồm 5 đồng chí), Châu uỷ Chợ Đồn chính thức được thành lập, đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình xây dựng và phát triển cơ sở Đảng ở địa phương. Ngày 2/8/1947, chi bộ Đảng đầu tiên của xã Thành Công được thành lập gồm có 3 đảng viên chính thức: Đồng chí Ma Văn Định, đồng chí Ma Văn Tâm, đồng chí Ma Văn Mèo. Đồng chí Ma Văn Định được chỉ định làm Bí thư chi bộ. Về sau, do sự lớn mạnh của chi bộ Đảng ở xã cả về chất lượng lẫn số lượng, cho phép mỗi thôn thành lập tổ Đảng để có điều kiện trực tiếp với quần chúng, cả xã chia làm 5 tổ: Phong Huân, Quảng Bình, Khau Pa, Yên Nhuân, Chỉ Mỹ. Dưới sự chỉ đạo của Châu uỷ Chợ Đồn, chi bộ Đảng coi trọng công tác xây dựng đảng cả 2 mặt phát triển đi đôi với củng cố.

          Năm 1949 – 1950, Phong Huân đã đón tiếp và bảo vệ các cơ quan tỉnh và trung ương chuyển đến:

          – Ty Tài chính tỉnh Bắc Kạn ở nhà ông Ma Văn Giảo (Nà Tấc).

          – Ông Hoàng Văn Phùng, Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Bắc Kạn về làm nhà ở Nà Đẩy, kho ngân khố quốc gia cũng ở Nà Đẩy.

          – Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Bắc Kạn đóng tại Pác Cộp, văn phòng ở Ót Cấy, Khuổi Tâu cả 2 thời kỳ trước cách mạng tháng 8 năm 1945 và kháng chiến chống Pháp là nơi nghỉ chân của cán bộ đi ngược về xuôi.

          – Gia đình ông Vũ Đình Hoè, một gia đình trí thức yêu nước, Bộ trưởng Bộ Tư pháp về Nà Chợ ở nhà ông Hà Văn Tài, Lâm Văn Toàn.

          – Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Bắc Kạn ở Nà Quỷ, in ấn tài liệu tuyên truyền về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

          – Tỉnh uỷ Bắc Kạn ở Pài Quận.

          – Bưu điện tỉnh Bắc Kạn ở nhà ông Ma Văn Kỳ (Pác Cộp).

          Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ gian khổ của dân tộc ta đã kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Đông Dương, theo tinh thần Hiệp định, đất nước ta bị chia cắt làm hai miền, sau hai năm sẽ Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Do đó, thời kỳ này đất nước ta đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hoàn thành công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà. Hoà chung với niềm vui của nhân dân miền bắc được giải phóng, nhân dân Phong Huân phấn khởi bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, xây dựng cơ sở vật chất, tạo tiền đề cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện cho miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước.

          Trước tình hình, nhiệm vụ mới, ngày 7/3/1955, Uỷ ban xã họp phiên thường lệ để giải quyết những vấn đề cần kíp như: Quyết định thành lập tủ thuốc của xã, lựa chọn giáo viên dạy bình dân học vụ, học tập nội quy tổ đổi công …. Song song với công tác sản xuất, chi bộ xã còn huy động một lực lượng dân công đi sửa đường quốc lộ 3 đoạn qua Bắc Kạn và khai thác gỗ ở Chợ Mới để cung cấp cho Nhà nước.

          Đón tết Nguyên đán Ất Mùi (năm 1955) kết thúc, chi bộ xã đã mở Hội nghị lớn gồm quân, dân, chính đảng để quán triệt và hưởng ứng Lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch “ra sức thi đua sản xuất, tiết kiệm, thi đua cấy nhiều lúa, trồng nhiều màu và và chăn nuôi gia súc”, phát huy thắng lợi vụ lúa xuân năm 1954, rút ra những bài học kinh nghiệm trong sản xuất, các thôn đã xin đăng ký cao so với chỉ tiêu trên giao. Trong đó, thôn: Bằng Tấc 46 bung; thôn: Phong Huân 36 bung (Sau năm 1954: Thôn Phong Huân chia làm 2 thôn là: Thôn Bằng Tấc và thôn Phong Huân).

          Sau 3 năm khôi phục kinh tế (1955 – 1957), phát triển văn hoá – giáo dục, đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của nhân dân các dân tộc trong xã được cải thiện một bước, đó là cơ sở để chi bộ Đảng và nhân dân xã ta tiến lên thực hiện kế hoạch 3 năm cải tạo các thành phần kinh tế theo hướng xã hội chủ nghĩa (1958 – 1960).

          Thi hành chủ trương của tỉnh và của huyện Chợ Đồn, ngày 28/4/1958 xã Thành Công được chia làm 4 xã:

          – Xã Yên Nhuân gồm có thôn Khau Pa, Yên Nhuận.

          – Xã Thành Công gồm có thôn Chỉ Mỹ.

          – xã Bình Trung gồm có thôn Quảng Bình.

          – Xã Phong Huân gồm có thôn Bằng Tấc, Phong Huân.

          Xã Phong Huân do đồng chí Nguyễn Văn Ninh làm Chủ tịch, đồng chí Lâm Văn Toàn làm Bí thư chi bộ. chi bộ Đảng đầu tiên của xã Phong Huân có 7 đảng viên: Đồng chí Lâm Văn Toàn, đồng chí Hoàng Văn Truyền, đồng chí Ma Văn Định, đồng chí Ma Văn Đeng, đồng chí Ma Văn Hoà, đồng chí Ma Văn Lịch, đồng chí Trương Văn Bổn.

          Kính thưa các đồng chí, thưa toàn thể nhân dân!

          Tính đến thời điểm hiện tại, xã Phong Huân thân yêu của chúng ta đã tròn 60 năm tuổi.

          Ngay từ ngày đầu thành lập, mọi việc còn gặp nhiều khó khăn. Song, chi bộ Đảng, chính quyền xã đã bắt tay vào lãnh đạo nhân dân thực hiện Nghị quyết 14 của Ban Chấp nhành Trung ương Đảng (tháng 11/1958) chủ trương phát triển kinh tế – văn hoá trong kế hoạch 3 năm (1958 – 1960) và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nền kinh tế cá thể của nông dân, thợ thủ công, những người buôn bán nhỏ và kinh tế tư bản tư nhân.

          Căn cứ vào đạc điểm của địa phương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện Chợ Đồn, chi bộ Đảng xã Phong Huân xác định nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa ở địa phương chủ yếu thực hiện cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp đảm bảo đúng đường lối, phương châm, nguyên tắc mà Trung ương Đảng đã đề ra tại Hội nghị Lần thứ 16 (tháng 4/1959).

          Đông xuân năm 1959 – 1960, chi bộ tiến hành thành lập được 2 hợp tác xã là Khuổi Huân và Nà Tấc, hơn nửa số hộ và diện tích canh tác của xã vào tập thể, nhiệm vụ tiếp theo là vận động 2 thôn Pác Cộp và Bản Cưa thành lập hợp tác xã trong đông xuân 1960 – 1961.

          Tháng 2 năm 1960, Ban Chi uỷ tổ chức Đại hội Lần thứ nhất, có mặt 9/9 đảng viên, tại Đại hội đã bầu đồng chí Lâm Văn Toàn làm Bí thư chi bộ.

          Ngày 20/11/1960, xã phát động chiến dịch mang tên “Đèo Giàng anh dũng, đông xuân thắng lợi”, nội dung là “Khuổi Xỏm phát gốc dạ chiêm; Khuổi Huân, Bản Cưa gặt đập lúa mùa; Nà Tấc, Pác Cộp gặt đập, thu rơm; tổ chức học tập chính sách lương thực cho dân”.

          Song song với việc thành lập hợp tác xã nông nghiệp, chi bộ Đảng đã cho thành lập Hợp tác xã tín dụng để nhằm mục đích tạo ra nguồn vốn cho người nông dân. Ngày 26/1/1961, hợp tác xã tín dụng ra đời với 1 ban quản lý gồm 3 người do đồng chí Ma Văn Vương làm chủ nhiệm. Vốn hợp tác xã có 282 đồng với 94 xã viên. Đến cuối năm 1968, Hợp tác xã tín dụng chuyển sang làm đại lý tiết kiệm cho Ngân hàng huyện Chợ Đồn, thay mặt ngân hàng thu, chi, trả tiền gửi cho nhân dân trong xã.

          Ngày 14/8/1961, chi bộ họp có 13 đảng viên chính thức, kết nạp thêm 2 đảng viên, đưa số đảng viên lên 15 đồng chí.

          Bước sang năm 1964, để giải quyết vấn đề thiếu lao động, Ban Chi uỷ đã tổ chức đón nhận thêm đồng bào xã Xuân Hoà, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình lên phát triển kinh tế – văn hoá với 22 hộ 74 khẩu.

          Cùng với nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu, từ năm 1965 đến năm 1971, Phong Huân đã tiến đưa hàng chục thanh niên lên đường nhập ngũ. Riêng năm 1972, Phong Huân đã tiễn đưa 7 đợt thanh niên, trong đó có 6 đợt bộ đội và 1 đợt thanh niên xung phong tất cả là 23 chiến sỹ, là năm có số lượng tuyển quân cao nhất trong 10 năm của kháng chiến chống Mỹ trên địa bàn xã, lúc đó toàn xã chỉ có 515 khẩu.

          Sau 20 năm (1955 – 1975), từ một chi bộ có 7 đảng viên đã phát triển lên 18 đảng viên, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, chi bộ xã Phong Huân đã lãnh đạo nhân dân một lòng đi theo Đảng, cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, bộ mặt của xã từng bước thay đổi, kinh tế- văn hoá xã hội, quốc phòng an ninh được giữ vững, đây là một động lực lớn giúp nhân dân Phong Huân bước vào thời kỳ mới.

          Trong giai đoạn bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, thực hiện đường lối đổi mới: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoàn thành 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, đi lên chủ nghĩa xã hội.

          Nhiệm vụ trước mắt của xã Phong Huân là lãnh đạo nhân dân khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển văn hoá xã hội.

          Cuộc Tổng tuyển cử tháng 4 năm 1976, bầu Quốc Hội thống nhất đất nước, Quốc Hội khoá 6 đổi tên nước ta thành nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Đại hội Đảng toàn quốc Lần thứ IV đổi tên Đảng ta thành Đảng Cộng sản Việt Nam, những sự kiện đó là nguồn cổ vũ mạnh mẽ đối với nhân dân, cán bộ, đảng viên xã Phong Huân, mọi tầng lớp phấn khởi sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.

          Với khẩu hiệu “Đường cái đến đâu, dân giàu đên đó”, năm 1976, nhân dân trong xã đã thi công được 1 km tuyến đường Phong Huân – Yên Nhuận ô tô đi lại được. riêng thôn Bản Cưa thi công con đường đi qua đèo Nạn Màn. Ngày 1/11/1977, huyện làm lễ khởi công tuyến đường Phong Huân – Yên Nhuận huy động dân công 15 xã trong huyện Chợ Đồn tham gia.

          Tháng 2 năm 1979, đất nước ta lại bước vào những ngày thử thách, chiến tranh Biên giới phía Bắc nổ ra, nhiệm vụ lúc này của nhân dân ta là chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến, nhiều con em của xã Phong Huân đã tòng quân cho mặt trận Biên giới, cung cấp lương thực cho tiểu đoàn 379.

          Ở tại địa phương, ngoài việc bố trí thế trận phòng thủ, lực lượng dân quân được tăng cường thêm, huấn luyện theo phương án tác chiến mới, thành lập trung đội dân quân gồm 32 chiến sỹ do đồng chí Ma Văn Vương làm Trung đội Trưởng, đồng chí Nguyễn Duy Bạo làm Trung đội Phó, phiên chế thành 3 tiểu đội: Bản Cưa; Bằng Tấc; Khuổi Huân. Qua diễn tập đã đạt kết quả cao, sẵn sàng chiến đấu.

          Ngày 11/12/1980, Chi uỷ, Ủỷ ban nhân dân xã đã thống nhất thành lập Bộ phận xây dựng kế hoạch và vận động sản xuất gồm 5 người, đồng chí Ma Văn Kỳ phụ trách, 5 người vào Ban Tài mậu của xã do đồng chí Đỗ Thanh Hoan phụ trách.

          Ngày 13/1/1981, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 100/CT-TW, về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp, trên tinh thần của Chỉ thị, đảng viên và nhân dân xã Phong Huân vui vẻ đón nhận.

          Ngày 5/10/1988, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 10/NQ-TW, “về quản lý kinh tế nông nghiệp” đây là giải pháp quan trọng tạo ra sự chuyển biến mới giúp người nông dân phấn khởi sản xuất, được đông đảo đảng viên và nhân dân Phong Huân hưởng ứng.

          Ngày 22/3/1991, khai mạc Đại hội vòng I, Đảng bộ xã Phong Huân có mặt 43/53 đảng viên, Đại hội bầu được 5 đồng chí vào Ban Chấp hành mới, đồng chí Trương Quốc Bùi được bầu làm Bí thư Đảng uỷ. Ngày 7/5/1993, chia tách chi bộ Bằng Tấc thành 2 chi bộ: Chi bộ Nà Tấc có 15 đảng viên do đồng chí Ma Quang Đạo làm Bí thư chi bộ. chi bộ Pác Cộp có 11 đảng viên do đồng chí Hạ Văn Sơn làm Bí thư chi bộ. Đến ngày 25/6/2003 tách chi bộ Khuổi Huân thành 3 chi bộ: Nà Chợ; Nà Mạng; Khuổi Xỏm. Đông chí Nông Văn Bỉnh – Bí thư chi bộ Nà Chợ; đồng chí Nguyễn Văn Mậu – Bí thư chi bộ Nà Mạng; đồng chí Hoàng Văn Khánh – Bí thư chi bộ Khuổi Xỏm.

          Năm 1997, có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng của nhân dân Bắc Kạn nói chung và nhân dân xã Phong Huân nói riêng, sau 32 năm (21/4/1965 -21/4/1997) hoàn thành nhiệm vụ hợp nhất tỉnh Bắc Kạn với tỉnh Thái Nguyên gọi là tỉnh Bắc Thái, tỉnh Bắc Kạn được tái lập. Từ đó xã Phong Huân như được tiếp thêm sức mạnh mới, được tỉnh, trung ương quan tâm đầu tư. Với điều kiện hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, Đảng uỷ, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã đã quán triệt phương châm, phát huy nội lực đồng thời tích cực tranh thủ ngoại lực, tạo nguồn lực tổng hợp cho phát triển hạ tầng cơ sở, với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến nay xã đã xây dựng cơ bản nhiều tuyến đường giao thông nối liền các thôn với trung tâm xã, xây dựng mới hoặc tu sửa nhiều tuyến mương, phai phục vụ cho tưới tiêu, có điện lưới 6/6 thôn, xây dựng trường học đảm bảo cho việc dạy và học ….. Bộ mặt quê hương ngày càng thay da đổi thịt. Đặc biệt cuối năm 2016, năm mà nền kinh tế tiếp tục chịu sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, Chính phủ thắt chặt đầu tư công, nhưng cấp trên rất quan tâm đến địa phương, đã dành nguồn vốn đầu tư, cho phép địa phương xây dựng Hội trường Nhà văn hoá phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hoá và các hoạt động cộng đồng nhằm góp phần cho địa phương hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị đề ra.

          Công tác đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm thực hiện tốt việc cải cách hành chính theo chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiệ tốt, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng địa phương cũng đã từng bước đầu tư trang bị phương tiện làm việc, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác lãnh đạo quản lý của Đảng và công tác điều hành của chính quyền địa phương.

          Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nướcvề chăm lo phát triển giáo dục, quán triệt quan điểm của Đảng, giáo dục là quốc sách hàng đầu, địa phương xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho chiều sâu, đầu tư cho phát triển, chăm lo sự nghiệp phát triển con người là chìa khoá của mọi thành công. Từ suy nghĩ đó, những năm qua Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân đã quán triệt sâu sắc các quan điểm, các tư tưởng chỉ đạo của Đảng tích cực đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, tạo điều kiện tốt nhất để phát triển giáo dục, mặc dù là một xã còn nghèo, dân số ít, học sinh bậc Trung học Cơ sở, Phổ thông Trung học phải sang xã ban để học, đời sống nhân dân còn khó khăn nhưng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, tập trung xã hội hoá mạnh mẽ để đầu tư xây dựng trường Mầm non và trường Tiểu học từng bước hoàn thiện phù hợp với cảnh quan sư phạm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giảng dạy và quản lý. Đầu năm 2018, dựa trên các tiêu chí về số lượng học sinh đang theo học của trường Tiểu học Phong Huân không đảm bảo, cấp trên có chủ trương sáp nhập trường Tiểu học Phong Huân về trường Tiểu học Bằng Lãng, trường Tiểu học của xã Phong Huân trở thành phân trường của trường Tiểu học xã Bằng Lãng. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của địa phương được quan tâm, các phong trào mũi nhọn thành tích cao của trường Mầm non và trưởng Tiểu học đạt nhiều kết quả cao. Là địa phương còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân đã ý thức đầu tư cho việc học, hàng năm tỷ lệ đỗ đạt vào các trường chuyên nghiệp của con em trong xã cao, góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

          Thực hiện phương châm chăm sóc sức khoẻ là yếu tố quyết định đến năng suất lao động, lấy phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh là định hướng cho công tác y tế địa phương. Từ đó đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, các chương trình quốc gia về y tế, công tác y tế dự phòng, làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống đảm bảo vệ sinh môi trường sinh hoạt hàng ngày, tuyên truyền vận động nhân dân đầu tư xây dựng nhà vệ sinh, lò đốt rác … Kết quả này đã góp phần làm thay đổi nếp sống văn minh ở khu dân cư.

          Thực hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, những năm qua công tác chăm sóc và giải quyết các chế độ chính sách đối với người có công trên địa phương được cấp Uỷ, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Hàng năm địa phương tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực của các tổ chức, cá nhân để thăm hỏi tặng quà, động viên gia đình chính sách. Bên cạnh đó, còn tuyên truyền vận động các đối tượng là thương binh, bệnh binh, người có công phát huy truyền thống tốt đẹp của mình, là tấm gương sáng cho mọi phong trào, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, giúp nhau cùng phát triển.

          Công tác an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo được thực hiện tốt, nhờ công tác vận động tuyên truyền mà các đối tượng đang được thụ hưởng chính sách xã hội, nhận thức được cái nghèo là bước cản của sự phát triển, nên đã có thay đổi, không ỷ lại vào chính sách của Nhà nước. để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, địa phương đã tập trung mọi nguồn lực xã hội, phân loại đối tượng, …. Vì vậy mà số hộ nghèo từng bước giảm dần.

          Đi đôi với phát triển kinh tế, xây dựng địa phương. Đảng uỷ, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể không ngừng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, xây dựng gia đình văn hoá mới, con người mới, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và Nhà nước về quy chế dân chủ cơ sở, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

          Tinh thần tương thân, tương ái được mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ nhiệt tình như quỹ vì người nghèo, quỹ khắc phục hậu quả thiên tai,… các mô hình dân vận khéo ở các thôn không ngừng phát triển, tạo niềm tin và động lực để nhân dân yên tâm sản xuất, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

          Trong công tác xây dựng hệ thống chính trị, Đảng bộ xác định vai trò lãnh đạo của Đảng là khâu then chốt, thực hiện nghiêm túc cơ chế Đảng lãnh đạo, Chính quyền điều hành, Mặt trận và đoàn thể chính trị làm tham mưu theo chức năng, lực lượng vũ trang địa phương làm nòng cốt là yếu tố quyết định. Từ đó, Đảng bộ đã tập trung chăm lo xây dựng Đảng thực sự trong sạch vững mạnh về mọi mặt, nâng cao sức chiến đấu của các chi bộ, quy hoạch đội ngũ Bí thư chi bộ từng nhiệm kỳ, thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, phát huy tối đa sức chiến đấu và tính tiên phong của đảng viên. Đối với đội ngũ Trưởng thôn, địa phương tập trung quy hoạch những cá nhân có uy tín, có đạo đức tốt, nhiệt tình trong công tác, được nhân dân tín nhiệm tham gia vào các phong trào ở địa phương. Thời gian qua Ban Chấp hành Đảng bộ tập trung tuyển chọn từ các phong trào đưa vào quy hoạch, cử đi đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và trang bị lý luận chính trị để nâng cao năng lực công tác.

          Hoạt động của các Mặt trận, đoàn thể được quan tâm, chú trọng theo các định hướng chặt chẽ về mặt tổ chức, nội dung, phuoqng thức hoạt động thường xuyên tích  cực đổi mới theo hướng gắn trách nhiệm với quyền lợi hội viên, tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên trong quá trình tham gia các diễn đàn chính trị – văn hoá giao lưu học hỏi. đề cao vai trò trách nhiệm của mặt trận và các đoàn thể chính trị trong việc tổ chức cho hội viên tham gia đóng góp xây dựng Đảng, Chính quyền và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm tốt công tác phản biện xã hội và giám sát cộng đồng thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tích cực tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, từ đó đã đoàn kết tập hợp và thu hút đông đảo hkội viên tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

          Đi đôi với nhiệm vụ phát triển kinh tế văn hoá, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Đảng bộ xã phong huân không ngừng chăm lo công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ từ thôn đến xã ngày càng vững mạnh. Qua quá trình phát triển, đến nay đảng bộ có 7 chi bộ trực thuộc với 106 đảng viên, 1 đồng chí có tuổi đảng cao nhất là 70 tuổi đảng (đồng chí Ma Văn Lịch), nhiều đồng chí đảng viên là cán bộ trung cấp và cao cấp trải qua các thời kỳ cách mạng, hiện nay đã nghỉ hưu và sinh sống tại địa phương.

          Kính thưa các đồng chí, thưa toàn thể nhân dân!

          Bên cạnh những thành tự xã đạt được là hêt sức to lớn và đáng ghi nhận trong suốt 60 năm qua. Song, so với yêu cầu thực tế của sự phát triển, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xã Phong Huân nhận thấy vẫn còn nhhững mặt tồn tại cần khắc phhục đó là: Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, vẫn còn hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có biện pháp tốt để thoát nghèo bền vững, chưa có mô hình phát triển kinh tế lớn tiêu biểu, sản xuất còn nhỏ lẻ chưa thành hàng hoá, hạ tầng dân sinh và hạ tầng xã hội còn chậm phát triển, đường giao thông còn nhiều khó khăn, tiềm năng và lợi thế phát triển lâm nghiệp còn dồi dào song chưa được đầu tư tương xứng để thu lại giá trị …. Để khắc phục những tồn tại trên, không còn con đường nào khác, chúng ta phải nắm chắc các quy luật và điều kiện phát triển của địa phương, phải có chủ trương đúng đắn, biện pháp đột phá và tinh thần quyết tâm cao. Tại buổi lễ trọng thể này, thay mặt cho Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị, tôi xin kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn xã và những người con quê hương đang đi làm ăn xa tiếp tục phát huy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu quê hương, phát huy truyền thống 60 năm thành lập xã tiếp tục phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát huy truyền thống đoàn kết, trách nhiệm, tích cực sáng tạo trong lao động, học tập và sản xuất, chung tay góp sức xây dựng xã Phong Huân ngày càng phát triển, trước mắt là hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2018 và những năm tiếp theo.

          Kính thưa các đồng chí, thưa toàn thể nhân dân!

          Thay mặt lãnh đạo địa phương và đội ngũ cán bộ công chức xã thế hệ hôm nay, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí đảng viên thế hệ cha anh, thế hệ đi trước đã không ngừng ủng hộ, giúp đỡ, truyền dạy những kinh nghiệm quý báu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đảng bộ, xây dựng xã vượt qua mọi khó khăn, thử thách đạt được những kết quả đầy tự hào. Đặc biệt, trong buổi lễ trọng thể này xin cám ơn các đồng chí nguyên là lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị, cán bộ UBND đã từng tham gia công tác trong những năm tháng đầu xã mới thành lập và đã từng công tác qua các nhiệm kỳ ở địa phương, đã xây dựng địa phương không ngừng tiến lên. Xin cảm ơn đảng bộ, Chính quyền và các đồng chí lãnh đạo xã qua các thời kỳ và hôm nay, cảm ơn các tổ chức, cá nhân có nhiều tâm huyết, 60 năm qua đã tận tình giúp đỡ và hỗ trợ địa phương, tạo nên sức mạnh tổng hợp để vượt qua thủ thách, vững vàng bước trên bước đường đi tới. Xin cảm ơn đồng chí và nhân dân xã Phong Huân, con em Phong Huân ở khắp mọi miền Tổ quốc đã đồng hành kề vai sát cánh chung tay góp sức xây dựng quê hương Phong Huân ngày càng giàu đẹp.

          Kính thưa các đồng chí và toàn thể nhân dân!

          60 năm qua, cùng với sự đi lên của cả nước, xã Phong Huân ngày càng chuyển mình, từng bước phát triển về mọi mặt. Trong chặng đường mới với những định hướng mới, chúng ta tin tưởng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, sự đoàn kết thống nhất của toàn Đảng, Chính quyền và nhân dân xã Phong Huân, sự ửng hộ tích cực của các cấp, các ngành, trong thời gian tới Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân trong xã nhất định quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp. Trong niềm hân hoan phấn khởi, tự hào và hạnh phúc, thay mặt các đồng chí lãnh đạo địa phương một lần nữa xin chân thành bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các đồng chí lãnh đạo và quý vị đại biểu đã quan tâm đến dự Lễ kỷ niệm và góp thêm động lực và niềm vui cho địa phương. Xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các quý vị đại biểu, các đồng chí nguyên là lãnh đạo qua các thời kỳ, mẹ Việt Nam anh hùng và toàn thể nhân dân, cán bộ, dảng viên trong xã Phong Huân mạnh khoẻ, hạnh phúc, an khang thịnh vượng, đoàn kết và thắng lợi. Với khí thế trân trọng và tự hào trước những thành quả đạt được, tại buổi lễ hôm nay, thay mặt các đồng chí lãnh đạo địa phương tôi kính đề nghị toàn thể chúng ta thực hiện tốt khẩu hiệu hành động, đó là: “Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xã Phong Huân đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp văn minh”. Xin trân trọng cảm ơn./.

Phát huy những thành quả đã đạt được, tin tưởng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, Chính quyền huyện; sự quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền, các đoàn thể  và nhân dân trong xã, chắc chắn trong thời gian tới, tình hình kinh tế- xã hội của xã Phong Huân sẽ ngày càng phát triển./.

 


Bài trướcChợ Đồn tích cực thực hiện diện tích đạt 100 triệu đồng/ha
Bài tiếp theoXã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn chủ động trong sản xuất vụ xuân 2018