![]() |
Giờ học của các em học sinh điểm trường Mầm non Cốc Slông, xã Xuân Lạc |
Thực tế tại điểm trường Mầm non Cốc Slông, xã Xuân Lạc mới thấy được những khó khăn, vất vả của cô và trò nơi đây. Điểm trường hiện có 1 lớp học với 34 học sinh, 100% các em là đồng bào dân tộc Mông, từ 3 đến 5 tuổi. Hằng ngày các em phải ngồi học trong 1 lớp tạm bưng gỗ, mái lợp pro xi măng, diện tích 35m2. Với các em học sinh, do hoàn cảnh gia đình rất khó khăn(98% hộ nghèo), nên hằng ngày đến lớp các em đều thiếu thốn về quần áo, giầy, dép, đồ dùng, đồ chơi. Những ngày mùa đông, ở vùng núi cao gió lạnh và nhiệt độ luôn thấp hơn các vùng khác nhưng các em chỉ có những chiếc quần áo mỏng, cũ kĩ; có những em không có dép phải đi chân đất đến lớp. Theo cô Hoàng Thị Ánh, giáo viên điểm trường Cốc Slông, xã Xuân Lạc, Khó khăn là vậy, nhưng các em học sinh ở đây vẫn đến trường đầy đủ, các cô không phải đến tận nhà người dân để vận động. Đây chính là nguồn động viên to lớn để các cô gắn bó với điểm trường.
Do điểm trường ở xa trường chính, cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp, không có nhà công vụ cho giáo viên, các cô hàng ngày phải đi lại con đường dài 12km từ trường chính đến điểm trường. Điểm trường không có nước nguồn nên nước uống của cô và trò phải mang theo từ nhà; còn nước sinh hoạt để rửa tay, chân đều phải vận chuyển từ dưới vùng thấp lên. Khó khăn không thể tổ chức ăn bán trú cho các em, nên hằng ngày các em phải gói cơm nắm theo để bữa trưa ăn tại lớp. Cơm được mang theo từ sáng sớm nên đến trưa đã nguội lạnh, hơn nữa cơm của các em không có thịt, cá mà chỉ là rau xanh hoặc cơm không. Chứng kiến bữa cơm đạm bạc của các em mới thấy được bản tính hiếu học của các em nơi đây.
Theo cô giáo Lê Thị Hiếu, phó hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Lạc, hiện nay Trường mầm non Xuân Lạc có tổng số 16 nhóm lớp, trong đó có 1 trường chính và 7 điểm trường lẻ. Đặc biệt còn có 5/16 lớp học tạm tại các điểm trường Cốc Slông, Tà Han, Khuổi Sáp và Nà Bản, với trên 100 học sinh. Các điểm trường này hầu hết học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông. Với các cô giáo khó khăn, vất vả là thế nhưng để truyền tải được con chữ đến học sinh, các cô giáo ở điểm trường phải học thêm tiếng dân tộc Mông, khi cô và trò hiểu được nhau thì việc dạy mới trở nên dễ dàng.
Vượt qua tất cả nỗi vất vả của địa hình rừng núi, sự nhiệt huyết của người làm trọng trách trồng người và sự cảm thông, chia sẻ của gia đình, người thân, các cô vào cắm bản ở đây đều rất mực thương yêu học trò, muốn truyền lại kiến thức cho các em; giúp các em học được chữ để làm hành trang cho các em bước vào đời vững vàng hơn./.