Huyện Chợ Đồn tăng cường chỉ đạo phòng chống dịch Cúm gia cầm H5N1

Ngay khi phát hiện dịch bệnh, huyện Chợ Đồn đã nhanh chóng triển khai các biện pháp khoanh vùng dập dịch, đồng thời chỉ đạo các địa phương chủ động đối phó, ngăn chặn dịch lây lan, tuy nhiên dịch Cúm gia cầm (H5N1) trên địa bàn huyện tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Hiện nay, ngoài thị trấn Bằng Lũng, đã có thêm hai xã là Đông Viên và Yên Thượng có kết quả dương tính (+) với  virus Cúm A H5N1.

 

Tiêu hủy gia cầm bị bệnh tại Chợ Đồn (Ảnh: baobackan.org.vn)

Tại thị trấn Bằng Lũng, đến ngày 16/8 đã phát hiện thêm ổ dịch tại hộ dân tổ 3, ngày 20/8 phát hiện thêm ổ dịch tại hai hộ dân tổ 2A. Tại xã Yên Thượng, sau khi tiêu hủy toàn bộ số gia cầm tại thôn Bản Liên có kết quả dương tính với cúm gia cầm A (H5N1) vào ngày 10/8, đến ngày 17/8, chính quyền xã đã phát hiện thêm ổ dịch mới tại gia đình ông Ma Đình Lương, thôn Chè Ngù.

Tại xã Đông Viên, sau khi phát hiện có gà chết tại 2 thôn Bản Mới và Làng Sen, ngày 16/8, Trạm Thú y huyện đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính (+) với virus Cúm A H5N1. Đến ngày 20/8, xã Đông Viên lại phát hiện thêm một ổ dịch tại thôn Nà Chang.

Bên cạnh việc kịp thời phát hiện và tiêu hủy số gia cầm bị bệnh, trước những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, lây lan diện rộng của dịch Cúm gia cầm (H5N1), Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Đồn đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc các biện pháp ngăn chặn, phòng trừ dịch bệnh:

Chính quyền các địa phương khẩn trương thông báo về tình hình, mức độ, nguy cơ thiệt hại của dịch Cúm gia cầm đến tất cả người dân và hộ chăn nuôi để nâng cao ý thức tự giác, chủ động phòng chống dịch bệnh; đồng thời thường xuyên theo dõi tình hình sinh trưởng, diễn biến sức khỏe của đàn gia cầm trên địa bàn. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết cần báo ngay cho cơ quan Thú y để kiểm tra, xác minh và có biện pháp xử lý kịp thời.

Đặc biệt, Ngành Nông nghiệp huyện chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng cường cá biện pháp vệ sinh, phòng chống dịch như:

Thực hiện vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng nuôi và môi trường xung quanh (phun 3 ngày/lần đối với vùng có dịch, 7 ngày/lần  đối với vùng chưa có dịch cho đến khi công bố hết dịch); đồng thời tăng cường thức ăn, nước uống vệ sinh, nhằm tăng sức đề kháng cho đàn gia cầm, thủy cầm.

Đối với vùng có dịch (thị trấn Bằng Lũng, xã Yên Thượng, xã Đông Viên), ngành chức năng yêu cầu chính quyền địa phương nghiêm cấm vận chuyển, mua bán gia cầm, thủy cầm và các sản phẩm gia cầm, thủy cầm trên địa bàn. Các địa phương tích cực vận động người dân tham gia phối hợp giám sát, thực hiện tốt nguyên tắc “5 không” trong phòng chống dịch;

Riêng đối với các hộ dân đã có gia cầm, thủy cầm bị nhiễm bệnh, ngành chức năng yêu cầu tiến hành phun thuốc khử trùng, tiêu động 1 lần/ngày, phun liên tục trong 7 ngày, sau đó định kỳ phun thuốc 3 ngày/lần tới khi đủ 30 ngày sau khi tiêu hủy gia cầm để đảm bảo an toàn…/.

Bài trướcChợ Đồn: Họp Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn
Bài tiếp theoChợ Đồn: Kết quả sản xuất nông lâm nghiệp 9 tháng đầu năm