Huyện Chợ Đồn sơ kết 5 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn

 

Đồng chí Ma Doãn Ích – Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp

Thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 – 2014 theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ. mục tiêu của Huyện Chợ Đồn là tạo mọi cơ hội học tập, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế; Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã đủ tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh lãnh đạo quản lý trên  lĩnh vực kinh tế – xã hội phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Qua 5 năm thực hiện đề án (2010 – 2014), có nhiều mô hình dạy nghề được triển khai có hiệu quả như kỹ thuật sản xuất, chế biến và bảo quản chè; Kỹ thuật sản xuất đũa gỗ; Kỹ thuật xây dựng… Kết quả có 2446 người lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo đề án đạt 78,8% kế hoạch, và khi học xong nghề một số được  doanh nghiệp hợp đồng theo vụ việc, còn lại tự tạo việc làm theo kinh tế hộ gia đình.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo thực hiện đề án, nhận thức của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội và người lao động về ý nghĩa, vai trò của dạy nghề cho lao động nông thôn đối với việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân có sự chuyển biến tích cực. Người học nghề được tiếp cận với kiến thức sản xuất, chăn nuôi, do đó hiệu quả đào tạo nghề được nâng lên rõ rệt, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ. đồng thời góp phần tích cực trong việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và giảm nghèo bền vững trong khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đề án, Ban chỉ đạo huyện còn gặp những khó khăn, bất cập. Do một số quy định trong Đề án không còn phù hợp, một số nội dung chưa quy định cụ thể nên vướng mắc khi thực hiện; Mức hỗ trợ tiền ăn, đi lại cho đối tượng được hưởng  thấp, điều kiện hỗ trợ đi lại không phù hợp với miền núi, vùng có điều kiện đi lại khó khăn…..

Chỉ đạo tại cuộc họp, để tiếp tục thực hiện đề án có hiệu quả hơn trong thời gian tiếp theo, đ/c Phó chủ tịch UBND huyện đề nghị cần thực hiện tốt chỉ tiêu năm 2015 là  660 người lao động nông thôn được đào tạo nghề và 5 năm (2016 -2020)  là  2250 người. Đồng thời đòng chí Phó Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp trong đó cần gắn việc dạy nghề với giải quyết việc làm, tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị dạy nghề, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đặc biệt là cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp  và các tổ chức chính trị – xã hội để việc dạy nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả cao hơn./.

Bài trướcXây dựng nhà nội trú dân nuôi trường trung học cơ sở xã Yên Thịnh
Bài tiếp theoThôn Tông Quận, xã Bình Trung tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”