Huyện Chợ Đồn bố dịch bệnh Dại động vật và công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh.

 Thực trạng chó thả rông, nguyên nhân lây lan dịch bệnh

Để chủ động tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại khống chế và dập dịch ngay khi còn ở diện hẹp không để lây truyền bệnh Dại cho người. Các cơ quan chuyên môn đã kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện Ban hành Quyết định số: 2149/QĐ-UBND ngày 24/8/2018 về việc công bố dịch bệnh dại động vật trên địa bàn huyện và Văn bản số: 1155/UBND-NN&PTNT ngày 27/8/2018 về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh Dại động vật.

Tính đến ngày 31/8/2018 đã tổ chức bắt, tiêu hủy 08 con chó bị bệnh tại thôn Nà Duồng, xã Bằng Lãng, đồng thời Trạm Thú y huyện phối hợp với UBND xã tiến hành tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng dại cho chó được 446 con trên tổng đàn hiện có của xã là 496 con và chỉ đạo Thú y viên cơ sở tiếp tục thực hiện tiêm vét cho hết số lượng chó chưa tiêm.

 Theo Quyết định số 2149/QĐ-UBND, Ủy ban nhân dân huyện Chợ Đồn công bố: xã vùng có dịch bệnh dại động vật là xã Bằng Lãng; vùng bị dịch uy hiếp gồm 06 đơn vị là Phong Huân, Đại Sảo, Yên Thượng, Lương Bằng và thị trấn Bằng Lũng; vùng đệm là các xã tiếp giáp với vùng bị dịch uy hiếp như: Phương Viên, Ngọc Phái, Rã Bản, Đông Viên, Yên Mỹ, Yên Nhuận, Bình Trung, Yên Thịnh.

 Nhằm kịp thời khoanh vùng khống chế và dập dịch tại địa phương có dịch và chủ động các biện pháp phòng chống, khống chế bệnh lây truyền sang các vùng lân cận, Đặc biệt không để chó nhiễm bệnh dại cắn và lây bệnh cho người. Tại Văn bản số: 1155/UBND-NN&PTNT, UBND huyện tập trung chỉ đạo: Đối với UBND các xã, thị trấn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng dân cư về tác hại và mức độ nguy hiểm của bệnh Dại, để người dân chủ động phòng, chống; theo dõi, phát hiện bệnh Dại ngay từ hộ và thôn tổ,  thực hiện biện pháp xử lý nhanh, kịp thời. Khuyến cáo người dân quản lý chó nuôi, cam kết thực hiện tiêm phòng vắc xin Dại chó (chó từ 01 tháng tuổi trở lên), không thả rông chó, đeo rọ mõm cho chó khi đưa ra nơi công cộng, có dây xích và có người dắt…Các xã có dịch, UBND xã thành lập tổ, đội bắt giữ, xử lý chó thả rông, chó không tiêm phòng vắc xin Dại theo quy định; yêu cầu các lực lượng chức năng của địa phương tăng cường tuần tra, bắt giữ chó thả rông và xử lý theo quy định.

Cơ quan chuyên môn của huyện tiếp tục theo dõi, đôn đốc các địa phương tổ chức các biện pháp quản lý vật nuôi trong hộ gia đình theo quy định; tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo thực hiện các biện pháp chuyên môn, chuẩn bị đầy đủ vắc xin, vật tư, hoá chất  phục vụ công tác phòng, chống bệnh Dại; Trung tâm y tế dự phòng huyện, Chỉ đạo Trạm Y tế các xã tăng cường chỉ đạo phòng, chống bệnh Dại trên người, chuẩn bị đầy đủ vắc xin phòng bệnh Dại để kịp thời tiêm phòng cho người bị chó, mèo cào, cắn; hướng dẫn người dân nâng cao ý thức phòng chống bệnh Dại, đặc biệt là người khi bị chó, mèo cắn, cào hoặc đã chăm sóc động vật nghi nhiễm bệnh Dại phải xử lý ngay vết thương và đến cơ sở y tế để khám và tiêm phòng theo chỉ dẫn của bác sỹ. Trường hợp người nghi ngờ nhiễm bệnh Dại nhưng không thực hiện các biện pháp tiêm phòng thì, Trung tâm y tế dự phòng phối hợp với cấp ủy, chính quyền thuyết phục, vận động thực hiện các biện pháp phòng bệnh Dại, tuyệt đối không để xảy ra trường hợp bị tử vong do bệnh Dại.

Để thực hiện tốt công tác khống chế, dập dịch và phòng, chống bệnh Dại trên động vật, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của người dân với chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn trong việc thực hiện các biện pháp xử lý; đặc biệt là ý thức về quản lý chó, mèo nuôi của người dân, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi bệnh dại trên động vật có hiệu quả./.

Bài trướcChợ Đồn: Ngày hội hiến máu tình nguyện hưởng ứng chiến dịch “ Những giọt máu hồng năm 2018 ”
Bài tiếp theoCác trường học trên địa bàn huyệnChợ Đồn tổ chức Lễ khai giảng năm học 2018-2019