Một trong những điểm nhấn quan trọng trong triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH ở huyện Chợ Đồn thời gian qua chính là việc tạo khí thế thi đua sôi nổi, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng “Gia đình văn hóa”; Thôn, khu phố văn hóa”; “ Xã đạt chuẩn nông thôn mới, phường thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”. Phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ ở khu vực thị trấn, đô thị mà còn ở địa bàn các xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Tính từ năm 2000 đến năm 2019 đã có 148.471 lượt hộ gia đình đạt danh hiệu “gia đình văn hoá”, có 1.303 lượt khu dân cư được công nhận “Khu dân cư văn hóa”; từ năm 2005 đến năm 2019 có 1.216 lượt cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhân đạt chuẩn văn hoá trong đó, có nhiều gia đình, khu dân cư, cơ quan đơn vị và doanh nghiệp giữ vững danh hiệu văn hoá nhiều năm liên tục được các cấp ghi nhận, biểu dương, khen thưởng.
![]() |
Hoạt động thể thao được đẩy mạnh qua các giải thi đấu cấp huyện |
Các phong trào đã tác động tích cực, làm cho ý thức cộng đồng thôn tổ đựơc tăng lên, nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hương ước, quy ước của thôn, bản, tổ phố xây dựng các tiêu chí của khu dân cư văn hóa đề ra . Đến nay, mỗi thôn, bản, tổ dân phố đều có biển làng, có nhà họp thôn, có Ban vận động đủ cơ cấu, thành phần đảm bảo cho việc điều hành mọi hoạt động của địa phương như: Việc hiếu, hỷ, chăm sóc người có công, giúp đỡ gia đình chính sách, đền ơn đáp nghĩa, vệ sinh môi trường . Từ việc thực hiện tốt tiêu chí nên nhiều khu dân cư luôn giữ được cảnh quan môi trường sạch, đẹp, các hộ gia đình đều thực hiện nếp ăn, ở hợp vệ sinh.Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch, có những nội dung đăng ký thực hiện đạt chuẩn văn hóa phù hợp với tình hình cụ thể và đặc trưng riêng của ngànhgóp phần xây dựng nếp sống văn minh nơi công sở, xây dựng tác phong, lề lối làm việc tích cực trong cán bộ công chức, viên chức, người lao động góp phần không nhỏ vào việc xây dựng môi trường làm việc, kinh doanh lành mạnh, giữ gìn nếp sống văn minh lịch sự nơi công cộng. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được thể hiện rõ nét qua việc hoàn thành các tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới. Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, các khu dân cư đã huy động người dân đóng góp tiền, ngày công lao động thực hiện mở đường giao thông liên thôn, liên xã, xây dựng mới, tu sửa cầu cống, kênh mương, xây dựng nhà họp thôn.Đến nay 100% số xã có đường nhựa, đường bê tông đến trung tâm xã, hơn 90% số thôn có đường cho xe máy, xe cơ giới đi lại thuận tiện; 215/228 khu dân cư có nhà họp thôn. Tính đến hết năm 2019, bình quân tiêu chí nông thôn mới của huyện đạt 11,7 tiêu chí, có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 1 xã đạt 16 tiêu chí; 11 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí; 06 xã đạt từ 6 – 9 tiêu chí; dự kiến đến hết năm 2020 bình quân đạt 12,7 tiêu chí. Tổng số vốn huy động trực tiếp cho chương trình là hơn 109 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 20 tỷ đồng và hiến 20.861 m2 đất. Cuộc vận động đã khơi dậy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái trong các tầng lớp nhân dân, tăng cường củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân thông qua hình thức tự quản ở cơ sở, tích cực xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Điểm nhấn nữa trong thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH là việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động đông đảo lực lượng và các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở với nguồn vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn quy hoạch quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã được thực hiện hiệu quả rộng khắp trong toàn huyện từ khu vực đô thị đến nông thôn, từ công sở, trường học đến hộ gia đình, bất cứ nơi đâu cũng thấy người dân hăng hái luyện tập thể dục – thể thao. Tính đến năm 2020, huyện Chợ Đồn có trên 30% người dân tập luyện TDTT thường xuyên và trên 13 % hộ gia đình tập luyện TDTT. Sân bãi, cơ sở vật chất phục vụ tập luyện TDTT được Nhà nước và người dân đầu tư ở nhiều nơi. Phong trào TDTT phát triển mạnh mẽ thông qua nhiều giải đấu do các cấp, các ngành tổ chức; nhiều sân chơi TDTT được duy trì tập luyện thường xuyên. Nhiều mô hình câu lạc bộ thể dục, thể thao phát huy hiệu quả như: bóng chuyền hơi, bóng chuyền da, bóng đá…và năm 2019, UBND huyện đã tiếp nhận 17 bộ dụng cụ tập luyện thể thao ngoài trời, do Công ty Kim Loại màu Bản Thi tài trợ, được lắp đặt tại sân Trung tâm văn hóa huyện, phục vụ và thu hút đông đảo nhân dân thường xuyên tham gia tập luyện nâng cao sức khỏe, bên cạnh đó toàn huyện cũng có nhiều hộ gia đình, đơn vị xây dựng bể bơi, sân bóng đá cỏ nhân tạo, các Phòng tập GYM, thể hình…. Xã hội hóa Phong trào đã thúc đẩy xã hội phát triển, dù chơi bộ môn nào thì tất cả mọi người đều hướng đến rèn luyện thân thể, đảm bảo sức khỏe cho bản thân mình, phòng chống các loại bệnh tật, tránh xa các tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa,lành mạnh.
![]() |
Nhà văn hóa xã xây dựng khang trang để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt lễ hội của người dân |
Sau 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, ở khắp các địa phương trong huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội. Nhiều truyền thống tốt đẹp được gìn giữ, lối sống mới từng bước được hình thành; nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tiếp tục được bảo tồn và phát huy giá trị như: Hát then, hát loàn, lượn phong slư, lượn cọi, lượn nàng ới, lượn nàng hai, lượn khảm hải, múa suông, múa bát của người Tày; hát sli, lượn xà xá của người Nùng; Hát ru, hát Páo dung, múa chuông của người Dao; lượn đối đáp nam – nữ, múa khèn, thổi kèn lá của người Mông’… Phong tục tập quán, lễ nghi của đồng bào các dân tộc như: lễ cấp sắc, lễ đặt tên, lễ cầu mùa của người Dao, lễ hội lồng tồng của người Tày…. Trong số các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn, nổi bật còn có di sản Chữ Nôm của người Dao và Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục người Dao đỏ thuộc thôn – xã Ngọc Phái, nghệ thuật hát Pá Dung của Người Dao Chợ Đồn… là di sản đã được Bộ Văn hóa, TTDL quyết định đưa vàodanh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cần được bảo tồn và phát huy năm 2015 -2017. Bà Hà Thị Khánh – Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Chợ Đồn cho biết: Cùng với việc triển khai thực hiện Phong trào, Ban chỉ đạo huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn Ban chỉ đạo Phong trào các xã triển khai các hoạt động bảo tồn, khảo sát, phát huy các giá trị di tích, di sản văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, khảo sát phục dựng Lễ hội truyền thống Đình Bản Ca, xã Bình Trung; khảo sát, bảo tồn làng bản truyền thống nhà sàn cổ của dân tộc Tày tại các xã Lương Bằng, Nghĩa Tá, Bình trung; Khôi phục truyền dạy đan lát truyền thống từ mây tre đan của địa phương tạo sản phẩm văn hóa du lịch địa phương, đến nay, toàn huyện có 42 Câu lạc bộ Văn hóa, thể thao được thành lập tại các thôn, tổ và được nhân dân tích cực tham gia xây dựng biểu diễn trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11 hàng năm.
![]() |
Tuyến đường tổ dân phố 2B thị trấn Bằng Lũng phong quang sạch đẹp |
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân pháp, Chợ Đồn đã được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm an toàn khu, bảo vệ bộ máy Trung ương của Đảng ta, nơi đây là địa bàn trọng yếu để bộ chỉ huy liên khu luận bàn việc nước, che chở cho các binh đoàn kháng chiến vì sứ mệnh dân tộc. Hiện nay, khu di tích đặc biệt ATK Chợ Đồn trở thành địa chỉ đỏ, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng của các thế hệ cha anh đi trước cho thế hệ trẻ. Với quần thể di tích Quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn cùng chuỗi các điểm danh lam, thắng cảnh hoang sơ, huyền bí; phong tục tập quán độc đáo lâu đời của các dân tộc, cùng nguồn nông sản, đặc sản dồi dào, phong phú của địa phương sẽ là những lợi thế để phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá văn hóa truyền thống của địa phương. Trên cơ sở xây dựng môi trường sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng, tinh thần đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh các nguồn vốn vay của ngân hàng, nhiều dự án phát triển kinh tế của các tổ chức đoàn thể và sự hỗ trợ của nhà nước đã giúp nhân dân các địa phương được hỗ trợ về ngày công, giống cây trồng, vật nuôi để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở mang ngành nghề. Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đã hưởng ứng phong trào như tham gia ủng hộ, đóng góp xây dựng các quỹ vì người nghèo, đóng góp công sức, tạo việc làm, hỗ trợ vốn, đào tạo tập huấn kỹ thuật cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo để từng bước cải thiện cuộc sống, góp phần thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo theo từng năm, từ 48,69% năm 2005 xuống còn 15,1% năm 2019 (Theo chuẩn nghèo mới). Đến nay toàn huyện cũng đã xây dựng thành công 14 sản phẩm đạt tiêu chuẩn occop 3 sao trở lên.
Theo ông Dương Văn Hoàn – Phó chủ tịch UBND huyện – Trưởng BCĐ Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Chợ Đồn: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã đánh dấu sự chuyển biến tích cực về ý thức cộng đồng, phát huy được truyền thống tốt đẹp của mỗi gia đình, dòng họ, tạo động lực cho mỗi địa phương trong toàn huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” sẽ tiếp tục được gắn kết với phát triển văn hóa nông thôn trong xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời, hoàn thiện và phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, qua đó tạo điều kiện để người dân nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa, tạo động lực để phát triển văn hóa, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của huyện Chợ Đồn trong giai đoạn mới.