Sau hơn 10 năm gây giống và chăm sóc đến nay ông Lăng Văn Duy, thôn Khuổi Đải, xã Phương Viên đã trở thành người đi đầu về phát triển cây giảo cổ lam, hiện nay ông có trên 0,4 ha diện tích đã trồng và cho thu hoạch. Ban đầu cây giảo cổ lam mọc nhiều ở khu vực đất vườn rừng của gia đình, ít người biết được giá trị dược liệu, chỉ biết hái làm rau ăn; sau này khi biết được tác dụng chữa bệnh từ cây giảo cổ lam như: giảm mỡ máu, điều hoà huyết áp, giải độc gan, ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường… ông đã quyết định gây giống. Mới đầu ông chỉ hái ngọn và lá non đem ra các chợ Phương Viên, Đông viên và Thị trấn Bằng Lũng bán, mỗi phiên được khoảng 5 đến 10kg, giá trị cao hơn so với các lọai rau khác. Nhận thấy có hiệu quả và thị trường ưa chuộng cây giảo cổ lam, ông Duy đã mạnh dạn nhân rộng và quyết định phát triển kinh tế từ cây trồng này. Năm 2011 ông Duy đã đầu tư máy để chế biến sản phẩm chè giảo cổ lam khô bán ra thị trường. Có máy sao khô, thời gian bảo quản sản phẩm được lâu hơn, ông đã tích cực chăm sóc và diện tích gỉao cổ lam ngày càng phát triển nhiều. Trung bình một năm ông Duy thu hoạch khoảng hơn 3 tạ chè dây khô và hơn 2 tạ chè lá khô, với giá từ 200 đến 250.000đ/1kg; ngoài ra ông cũng tận dụng bán thêm lá tươi với giá từ 25 đến 30.000đ/1kg, như vậy một năm ông cũng có nguồn thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng.
![]() |
Ông Lăng Văn Duy, thôn Khuổi Đải, xã Phương Viên đã trở thành người đi đầu về phát triển cây giảo cổ lam |
Khác với các cây trồng khác, cây giảo cổ lam thích hợp phát triển ở các khu vực đất có đá , độ ẩm cao và có bóng râm. Thống kê cho thấy trên địa bàn xã Phương Viên hiện có khoảng 4 hộ vẫn duy trì trồng cây giảo cổ lam với tổng diện tích khoảng trên 0,5ha. Hiện nay trên địa bàn xã vẫn còn nhiều diện tích đất có thể trồng và phát triển cây giảo cổ lam; tuy nhiên một thực tế cho thấy các hộ dân trồng chủ yếu là tự cung, tự cấp, tiêu thụ nhỏ, lẻ tại các chợ phiên, do đó hiệu quả của cây trồng này chưa thật sự được phát huy. Mong muốn của cấp uỷ, chính quyền địa phương cũng như các hộ dân đã trồng giảo cổ lam là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, tạo thương hiệu để phát triển thành hàng hoá, góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.
Được đánh giá là địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với phát triển cây dược liệu này, theo đó đầu năm 2014 phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã triển khai mô hình trồng cây giảo cổ lam chế biến làm chè thảo dược tại xã Phương Viên, với diện tích 3.000 m2 cho 12 hộ dân tham gia. Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng đối với người dân xã Phương Viên, mô hình thành công sẽ mở ra một hướng đi mới, hướng phát triển kinh tế đem lại nguồn thu nhập ổn định và hiệu quả cao cho người nông dân./.