Làm việc với huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, thay mặt đoàn công tác của huyện Chợ Đồn, đồng chí Ma Thị Na, Phó Bí thư thường trực huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đã khái quát về tình hình kinh tế – xã hội, những tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, tình hình sản xuất nông nghiệp của huyện Chợ Đồn; những hạn chế của các mô hình liên kết nông nghiệp và khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Chợ Đồn mong muốn được thăm quan, tìm hiểu, học tập và chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác xây dựng Đảng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Xây dựng nông thôn mới; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả kinh tế tại huyện Thạch Thành…
Tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo Ban Thường vụ huyện ủy huyện Thạch Thành cũng đã thông tin một số kết quả nổi bật về phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, xây dựng Nông thôn mới và các mô hình kinh tế. Huyện bạn đã dẫn đoàn công tác đi thăm một số thôn của xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành về phong trào xây dựng Nông thôn mới. Tại địa phương Bí thư cấp ủy các cấp là Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới, nay hợp nhất với Ban chỉ đạo giảm nghèo thành Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia. Từ năm 2018 có thêm chính sách để xây dựng thôn, bản, xã Nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Với phong trào này, huyện Thạch Thành đã xây dựng được gần 10 nghìn cột đèn chiếu sáng, trang trí 150 km đường làng và trồng hơn 1 nghìn đường hoa. Huyện Thạch Thành đang tập trung xây dựng vườn mẫu, nhà mẫu, thôn nông thôn mới kiểu mẫu và xã nông thôn mới nâng ở 06 xã.
Đến nay, 100% các xã, thị trấn của Thạch Thành đã thực hiện quy hoạch đất dành cho thiết chế văn hóa cơ sở, với Trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã và nhà văn hóa, sân chơi thể thao ở thôn với diện tích bảo đảm theo tiêu chuẩn. Hiện toàn huyện có 1 trung tâm văn hóa, thể dục thể thao cấp huyện, 1 nhà luyện tập, thi đấu đa năng, 26 bưu điện văn hóa xã;14/28 xã, thị trấn có Trung tâm văn hóa, nhà văn hóa đa năng (4 xã còn lại đang xây dựng); 15/28 xã có sân vận động; 196 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, làng. Các sân chơi, nhà tập luyện, nhà văn hóa từng bước được đầu tư nâng cấp đạt các tiêu chí về văn hóa Nông thôn mới, phát huy tốt công năng sử dụng, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân đến sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và rèn luyện thể dục thể thao. Trong đó, các nhà văn hóa thôn thu hút khoảng trên 50% người dân và nhà văn hóa xã thu hút trên 30% người dân thường xuyên đến sinh hoạt; nhà luyện tập thể thao, sân vận động xã, khu thể thao thôn thu hút trên 40% người dân tham gia luyện tập thường xuyên.
Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, những năm qua, huyện Thạch Thành tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu trong lĩnh vực trồng trọt bằng việc chuyển đổi diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, đưa các loại cây trồng có tiềm năng năng suất cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường vào gieo trồng. Thực hiện dồn điền, đổi thửa, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất tập trung quy mô lớn. Kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; trong đó, trọng tâm là thực hiện liên kết với nông dân để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế. Chỉ tính riêng năm 2018, huyện đã chuyển đổi hơn 411 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây khác có hiệu quả và giá trị kinh tế cao hơn; trong đó, chuyển sang trồng mía nguyên liệu 291,7 ha, chuyển sang trồng ngô và cây rau màu 119,6 ha. Tiếp tục thực hiện 30 cánh đồng lớn sản xuất lúa tập trung ở cả 2 vụ, đưa nhiều giống lúa có năng suất, chất lượng cao và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Tiếp tục thực hiện xây dựng cánh đồng lớn cơ giới hóa đồng bộ sản xuất mía nguyên liệu và đã mở rộng thêm 301,7 ha cánh đồng lớn, nâng tổng diện tích sản xuất mía cánh đồng lớn toàn huyện lên 816,7 ha.
![]() |
Đoàn thăm mô hình trồng Cây Thanh Long |
Ngoài ra, huyện thực hiện có hiệu quả việc mở rộng diện tích sản xuất các cây trồng có lợi thế và có giá trị kinh tế cao, như: Cam, bưởi, ổi, thanh long… Đồng thời, tổ chức triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” và xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cam Vân Du. Toàn huyện hiện có hơn 2 nghìn 500 cây ăn quả gồm Cam, Bưởi, Dứa, ổi, Thanh long , Mắc Ca…
Kết quả năm 2018, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Thạch Thành đạt hơn 9 nghìn 189 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân đầu người 35,2 triệu đồng. Ngoài ra, huyện huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, như: Đường giao thông, đê, kênh mương nội đồng, trạm bơm… Nhiều công trình hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng đã góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Trong công tác Đảng, Huyện ủy Thạch Thành tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, trọng tâm là nâng cao chất lượng hoạt động và sinh hoạt của Chi bộ Đảng. Quản lý toàn bộ hoạt động của chi bộ thông quan việc Ban hành số nghiệp vụ chi bộ, sổ này thay thế tất cả các loại sổ sách của chi bộ trước đây và giúp cấp ủy, chi bộ, bí thư chi bộ nắm vững, thực hiện nhiệm vụ công tác Đảng. Trong công tác quản lý, tu dưỡng rèn luyện Đảng viên, ban hành “ sổ tu dưỡng, rèn luyện đảng viên”, nhằm giúp đảng viên có cơ sở để tu dưỡng, rèn luyện, đồng thời giúp cấp ủy các cấp thực hiện tốt công tác quản lý đảng viên…
![]() |
Đoàn thăm quan hệ thống tưới nước tự động cho cây Cam, Bưởi |
Tại các nơi đến tham quan, đồng chí Bí thư huyện ủy và các đồng chí trong đoàn công tác huyện Chợ Đồn đã được các đồng chí đại diện cho các ngành liên quan và các chủ mô hình của huyện Thạch Thành chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình, chính sách hỗ trợ và liên kết với các đơn vị từ cây giống đến khâu tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Đồng thời trao đổi những kinh nghiệm quý trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các mô hình làm sao cho có hiệu quả.
Chuyến đi thực tế là một cơ hội tốt để các Bí thư Chi bộ lãnh đạo cấp cơ sở giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm quý báu, những cách làm hay, những bài học bổ ích trong công tác xây dựng Đảng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Xây dựng nông thôn mới; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả…Tin tưởng rằng, sau chuyến đi, đội ngũ Bí thư chi bộ cơ sở của huyện Chợ Đồn sẽ nhận thức sâu sắc hơn về chương trình xây dựng nông thôn mới, về công tác lãnh đạo chỉ đạo trong phát triển kinh tế, xã hội và là những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý ở mỗi địa phương./.