Chợ Đồn tiếp tục thực hiện Đề án gia trại, trang trại giai đoạn 2016-2020

Đến thăm mô hình kinh tế của chị Lèng Thị Giới, thôn Bản Ó, xã Xuân Lạc  thấy được sự đổi mới trong phương thức phát triển chăn nuôi của người nông dân hiện nay. Thay vì nuôi theo truyền thống là chăn thả tự do (ban ngày thả trâu vào rừng ăn cỏ, chiều tối lùa trâu về chuồng) thì nay gia đình áp dụng chăn nuôi theo hình thức vỗ béo (đầu tư trang trại, mua trâu về nuôi, trồng cỏ voi để cung cấp thức ăn cho gia súc).  Và chỉ một vài tháng áp dụng mô hình này, theo gia đình cho biết đã nhận thấy hiệu quả, từ 06 con trâu gầy, mua về nuôi vỗ béo nay gia đình đã có thể bán được. Theo tính toán, khoảng từ 3-5 tháng vỗ béo sẽ có lãi khoảng 3-5 triệu đồng/ con trâu.

Để có bước đột phá mới trong phát triển mô hình kinh tế này, thời gian qua, gia đình chị Giới đã đăng ký thực hiện Đề án gia trại, trang trại giai  đoạn 2016-2020 do UBND huyện triển khai. Hiện nay gia đình đã được vay 100 triệu đồng để đầu tư trang trại theo đúng quy trình có mái che, máng ăn, có hệ thống vệ sinh thoát nước, mua máy thái cỏ,… gia đình cũng được tập huấn về các biện pháp chăn nuôi, cách phòng bệnh hiệu quả.

 Chị Lèng Thị Giới, thôn Bản Ó, xã Xuân Lạc sử dụng nguồn vốn được vay

theo Đề án để chăn nuôi trâu bằng hình thức vỗ béo

Còn đối với hộ ông Hoàng Văn Bộ, cùng thôn Bản Ó, tận dụng có một khu chăn nuôi tại thôn Khuổi Sáp, với diện tích khoảng 2000m2, gia đình đã đăng ký tham gia Đề án gia trại, trang trại do huyện triển khai. Tham gia Đề án này gia đình ông được hỗ trợ lãi xuất vay vốn từ ngân hàng nông nghiệp và hướng dẫn  chăm sóc theo khoa học kỹ thuật đảm bảo phát triển hiệu quả.

Mục tiêu xây dựng Đề án gia trại, trang trại giai đoạn 2016-2020 nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai, lao động, vốn và áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất trên cơ sở bảo vệ tốt môi trường nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa trong cơ chế thị trường; góp phần, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng của người nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất nhỏ, manh mún của người nông dân, tiến tới một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn, chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Cụ thể đến năm 2020 sẽ nâng số lượng trang trại đạt tiêu chí là: 10 trang trại trở lên; Mỗi xã, thị trấn phấn đấu có 10 gia trại trở lên; Giải quyết việc làm cho khoảng 350 lao động; Tổng giá trị sản lượng nông sản hàng hóa phấn đấu đạt 09 tỷ đồng/năm;

Hiện nay, Đề án đang tiếp tục được huyện Chợ Đồn triển khai thực hiện, kết quả bước đầu đã đạt được, trước hết là giúp người nông dân hay đổi dần tập quán sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang sản xuất chăn nuôi quy mô lớn, tập trung, áp dụng công nghệ tạo thành hàng hoá sản phẩm, đáp ứng nhu cầu và đủ sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao tăng thu nhập cho người dân, hướng tới đạt các tiêu chí nông thôn mới và hoàn thành vượt các chỉ tiêu Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 25/6/2015 của Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chợ Đồn lần thứ XX nhiệm kỳ 2015-2020.

 

Bài trướcHội thi văn hoá ẩm thực và tìm hiểu hoạt động của các tổ chức Hội chào mừng 89 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt nam 20/10
Bài tiếp theoXã Xuân Lạc tập trung xây dựng Nhà văn hóa thôn