Trong giai đoạn từ nửa cuối tháng 10 đến nửa đầu tháng 11, sâu ong tiếp tục gây hại trên nhiều diện tích rừng trồng Mỡ tại huyện Chợ Đồn.
Đến nay, tổng diện tích bị nhiễm là 609,88ha, trong đó diện tích nhiễm nhẹ – trung bình là 414,38ha, trên địa bàn 15 xã (Phương Viên, Rã Bản, Đông Viên, Bằng Phúc, Đại Sảo, Yên Mỹ, Yên Nhuận, Bình Trung, Phong Huân, Lương Bằng, Nghĩa Tá, Bằng Lãng, Ngọc Phái, Yên Thượng và thị trấn Bằng Lũng). Diện tích nhiễm nặng có 195,5ha tại thôn Bản Lắc, Bản Nhì (xã Bằng Lãng), Bản Cưa, Nà Mạng (Phong Huân); Nà Khe, Khuổi Quân, Nà Càng (Phương Viên); Bản Ca, Bản Pèo, Nà Đon (Bình Trung); thôn 3, thôn 8 (Đại Sảo); Khuổi Nhang, Nà Phung (Rã Bản); Pác Khoang (Yên Mỹ); Nà Cà (Nghĩa Tá); Bản Tàn (thị trấn Bằng Lũng).
![]() |
Nhiều rừng mỡ ở Chợ Đồn đã bị sâu ong ăn trụi |
Sâu ong đang trong giai đoạn sâu non, nở đồng đều và tập trung. Mật độ sâu non phổ biến 20 – 30 con/cây, cao 50 – 60 con/cây, cục bộ một số nơi mật độ 80 – 100 con/cây. Hiện sâu đang ở tuổi 3-5 và đang bắt đầu giai đoạn vào nhộng.
So với cùng thời điểm năm 2012, hiện nay mật độ sâu non trung bình có chiều hướng giảm. Theo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, nguyên nhân chủ yếu do nguồn thức ăn của sâu ngày càng ít dẫn đến một phần sâu bị chết. Ngoài ra, một số đang vào nhộng và xuống đất nên tỷ lệ sâu non trên cây cũng giảm.
Thời gian qua, Ngành Lâm nghiệp, Nông nghiệp địa phương đã phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp diệt trừ, tuy nhiên, tại một số nơi, người dân áp dụng biện pháp không phù hợp với tuổi cây, tuổi sâu dẫn đến hiệu quả chưa cao.
Hiện nay, các đơn vị chức năng đang tiếp tục phối hợp với các địa phương tích cực hướng dẫn người dân theo dõi diễn biến và thực hiện đúng các biện pháp phòng trừ sâu ong.
Đối với những diện tích cây cao dưới 2m, ngành chức năng chỉ đạo thực hiện các biện pháp thủ công như ngắt bỏ ổ trứng, bắt sâu non tiêu hủy.
Các biện pháp hóa học được khuyến cáo áp dụng đối với những diện tích cây cao hơn 2m, mật độ sâu cao. Người dân có thể sử dụng bình động cơ phun thuốc trực tiếp vào ổ sâu với một số loại thuốc hóa học như Gà nòi 95SP, Patox 95SP, Ofatox 400EC… Đối với thuốc Gà nòi 95SP có thể pha thuốc với bột (cám gạo, bột ngô, bột sắn) theo tỷ lệ 10kg bột – 1,5kg thuốc hoặc pha với nước theo tỷ lệ 200l nước – 1,5kg thuốc phun cho 1ha.
Trước khi sâu xuống đất hóa nhộng từ 2 đến 3 ngày, cần tiến hành rắc thuốc xuống đất trong phạm vi tán cây; sử dụng một số loại thuốc như Diaphos 10G, Diazol 10H, Vibam 5H, Vibasu 10H; liều lượng 25 – 30kg/ha.
Đối với những diện tích sâu đã xuống nhộng, cần tiến hành xới đất đều xung quanh gốc cây, sâu từ 5 – 10cm, rộng hơn tán lá từ 20 – 50cm, tìm và diệt nhộng thủ công.
Hiện nay, Ngành Nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với các viện nghiên cứu đầu ngành trong cả nước triển khai nghiên cứu các biện pháp diệt trừ sâu ong nhằm tiêu diệt triệt để sinh vật gây hại, đồng thời hạn chế tối đa thiệt hại cho người trồng rừng./.