Chợ Đồn tích cực thực hiện diện tích đạt 100 triệu đồng/ha

 Chị Phương Thị Như, thôn Nà Cà, xã Quảng Bạch chăm sóc diện tích bí đao mới trồng.

 

Sẵn có lợi thế về điều kiện đất đai, tập quán sản xuất nông nghiệp, thời gian qua xã Quảng Bạch đã triển khai khá hiệu quả việc chuyển đổi cây trồng. Nhất là khi thực hiện lộ trình xây dựng nông thôn mới, địa phương đang từng bước chú trọng đến tiêu chí thu nhập. Để đảm bảo nguồn thu nhập, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký thực hiện mô hình có giá trị, cải tạo đất cằn cỗi, lựa chọn các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, có khả năng tiêu thụ.

Ông Nông Văn Thẩm, chủ tịch UBND xã Quảng Bạch, cho biết: Toàn xã Quảng Bạch hiện có gần 20ha diện tích cây hồng không hạt, trong đó diện tích cho thu hoạch trên 6ha. Những năm gần đây diện tích hồng cho thu hoạch đã tăng lên, do đó nhiều hộ có nguồn thu nhập từ 50 – 60 triệu đồng/ năm từ trồng hồng không hạt. Riêng năm 2018, xã Quảng Bạch được giao chỉ tiêu thực hiện cải tạo, thâm canh, sản xuất hồng theo hướng Việt Gáp là 20ha. Cùng với phát triển cây hồng, địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện thâm canh tăng vụ bằng các cây trồng có năng suất, chất lượng như, như bí đao, mận sớm; Triển khai thực hiện các mô hình xen canh như, lúa – cá; 2 vụ lúa – 1 vụ màu… để nâng cao giá trị trên cùng 1 đơn vị diện tích.

Chị Phương Thị Như, thôn Nà Cà, xã Quảng Bạch, là một trong những hộ đã mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao, trong đó phải kể đến là cây hồng không hạt. Từ năm 2008, chị Như đã tận dụng những diện tích chân đồi, ruộng kém năng suất sang trồng hồng không hạt. Đến nay, gia đình chị đã trồng được 300 cây hồng, trong đó có khoảng  250 cây đã cho quả. Tính riêng năm 2017 chị Như đã thu về trên 50 triệu đồng từ bán quả hồng. Ngoài ra, nhận thấy trồng lúa hiệu quả thấp, trong vài năm gần đây chị đã mạnh dạn chuyển đổi 1.500m2 ruộng sang trồng cây Bí đao và Mướp đắng. Theo chị Như, sản phẩm trồng ra đều được tiêu thụ tốt, và tạo nguồn thu nhập khá cho gia đình.

Ngoài ra, việc thực hiện mô hình đạt 100 triệu đồng/ năm đã được các địa phương trong huyện cũng tập trung triển khai như các mô hình: Lúa xen cá; lúa xuân – 2 vụ màu; Chuyển đổi sang trồng các cây trồng có giá trị kinh tế như, Su su, Dong riềng, Rau bồ khai, Thanh long, Cam, quýt, Khoai môn, Dưa…

Cùng với đó, huyện đã đưa ra các giải pháp cũng như chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác tối đa tiềm năng đất nông nghiệp. Đồng thời, chú trọng hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại giống lúa, ngô và một số cây trồng khác cho năng suất, chất lượng cao.

Việc thực hiện diện tích đất ruộng đạt giá trị sản xuất từ 100 triệu đồng/ha trở lên là một trong những chỉ tiêu quan trọng mà Nghị quyết HĐND huyện giao hàng năm. Chính vì vậy, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn phải đưa ra các giải pháp thực hiện mô hình một cách có hiệu quả, lựa chọn những công thức thực sự có giá trị, mang lại nguồn thu nhập cho nông dân. Bằng chứng cho thấy năm 2017 toàn huyện đã duy trì diện tích đất ruộng đạt giá trị 100 triệu đồng/ha là 310ha, năm nay tiếp tục duy trì và nhân rộng ở mức 400ha./.

Bài trướcĐón tết Hàn Thực cùng người dân tộc Tày huyện Chợ Đồn
Bài tiếp theoLỄ KỶ NIỆM 6O NĂM NGÀY THÀNH LẬP XÃ PHONG HUÂN (28/4/1958 – 28/4/2018)