Theo Quyết định số 604/QĐ-UBND ngày 04/5/2017, của UBND tỉnh về việc phê duyệt nội dung thuyết minh và dự toán kinh phí thực hiện dự án: “Phát triển sản xuất một số cây trồng hàng hóa góp phần nâng cao thu nhập cho nông hộ tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn”, huyện Chợ Đồn triển khai thực hiện dự án tại 02 xã Quảng Bạch và Tân Lập, thời gian thực hiện từ năm 2017- 2020.
![]() |
Cấp cây giống Hồng không hạt cho các hộ thực hiện dự án |
Trong quá trình triển khai và thực hiện, đến nay với nhiều sự thay đổi về nhân sự phụ trách chủ nhiệm dự án, cơ quan chủ trì dự án, cùng với nhiều khó khăn như điều kiện địa hình, giao thông tại các điểm thôn thực hiện dự án không thuận lợi; việc tuyên truyền, vận động các hộ tại vùng triển khai dự án thay đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ tự cung tự cấp sang sản xuất tập trung tạo thành hàng hóa là một sự nỗ lực của cán bộ phụ trách dự án từ tỉnh đến huyện và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền 02 xã…, hiện nay các nội dung của dự án cơ bản đã thực hiện đạt kế hoạch trên 80%, bao gồm: Tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân vùng dự án được 7/10 lớp; thực hiện 04 mô hình: Cải tạo cây hồng già cỗi 3,5 ha, hướng dẫn các biện pháp cải tạo như đốn tỉa tạo tán, bón phân thâm canh, chăm sóc, quét vôi gốc phòng trừ sây bệnh. Trồng mới cây hồng không hạt, diện tích 10,0 ha (Quảng Bạch 6,0 ha, Tân Lập 4,0 ha). Trồng mới cây mận sớm 5,0 ha (Quảng Bạch 3,0, Tân Lâp 2,0 ha). Trồng cây Chè Shan theo hướng VietGAP 5,0 ha tại ba thôn Phiêng Đén, Nà Lịn, Nà Sắm xã Tân Lập. Tham gia thực hiện dự án, người dân được hỗ trợ 75% giá mua cây giống và 100% phân bón vô cơ cho 03 năm đầu để trồng các loại cây trồng theo hướng tập trung. Sau 02 năm tổ chức thực hiện, các mô hình đã cấp đủ lượng cây giống Mận sớm, Hồng không hạt, Chè Shan, cấp, phát phân bón chăm sóc năm đầu, năm thứ hai cho các hộ tham gia thực hiện dự án, trong đó một số diện tích cây mận sớm được trồng trong năm 2017 đến nay cây phát triển khá tốt, đã cho quả bói;
![]() |
Mô hình cây Mận sớm sau trồng năm thứ 2 |
Hiện nay dự án vẫn đang tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung nhưng để hoàn thành đạt mục tiêu, có hiệu quả bền vững, ngoài sự tập trung chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến huyện, thì cấp ủy chính quyền địa phương cần tích cực quan tâm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, đặc biệt là công tác bảo vệ chăm sóc thâm canh các loại cây trồng mô hình, để sớm mang lại thu nhập cho nông hộ, góp phần trong công tác giảm nghèo bền vững./.