Đối với cây lúa xuân chính vụ: Hiện cây mạ đang ở giai đoạn 2 – 3 lá, thành phần và mật độ sâu bệnh thấp, mạ sinh trưởng, phát triển bình thường. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, một số diện tích do che phủ nilon kín nhiều ngày nên cây mạ phát triển chậm, lá mạ bị chuyển màu trắng. Ngoài ra, một số diện tích mạ bị chết thành khóm. Qua tìm hiểu của cán bộ ngành chức năng, nguyên nhân mạ chết là do bị ngộ độc đất.
Khi người dân gieo mạ trên đất tích chưa nhiều chất hữu cơ, đất bùn ao, bón nhiều phân NPK, tưới nước giải đặc khiến cho trong đất phát sinh lượng lớn các khí độc (CO2, H2S). Thời gian đầu, mạ sống nhờ vào chất dinh dưỡng có sẵn trong hạt lúa nên vẫn sinh trưởng phát triển bình thường. Đến giai đoạn mạ 4 lá, bộ rễ bị thối không cung cấp được dinh dưỡng cho cây dẫn đến mạ bị chết. Đối với tình trạng này, để đảm bảo thời vụ gieo trồng, các hộ dân có diện tích mạ bị chết phải chủ động, khẩn trương mua hoặc đổi các giống có thời gian sinh trưởng ngắn; đồng thời nên gieo mạ nền, mạ sân hoặc gieo sạ để hạn chế tình trạng ngộ độc đất.
Cũng qua kiểm tra trên rừng keo 2-3 năm tuổi tại một số địa phương, cơ quan chức năng cũng phát hiện một số diện tích xuất hiện vết gặm trên từng đoạn thân cây; một số cây bị gặm hết vỏ xung quanh dẫn đến héo và chết. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sinh vật thuộc bộ gặm nhấm gây ra. Do chưa thể xác định cụ thể đối tượng gây hại nên đối với các diện tích trồng rừng, Ngành chức năng khuyến cáo người dân thường xuyên thăm rừng, tiến hành phát quan, tỉa cảnh; trước mắt áp dụng một số biện pháp thủ công như đặt bẫy, dùng bả sinh học để xử lý.
Trên cây mỡ, thời gian qua tình trạng sâu ong gây hại vẫn là vấn đề cấp bách đối với huyện Chợ Đồn. Do thời tiết rét đậm, rét hại đã ảnh hưởng đến thời gian vũ hóa của nhộng sâu ong. Qua điều tra, hiện sâu ong tập trung tại các xã: Phong Huân, Bằng Lãng, Nghĩa Tá, Bình Trung, Đại Sảo, Phương Viên, Đông Viên, Rã Bản, thị trấn Yến Lạc; mật độ trung bình 20 – 25 con/m2, một số nơi mật độ cao khoảng 30 con/m2. Tổng diện tích rừng mỡ toàn huyện bị sâu ong gây hại là gần 150ha.
Dự kiến, đến giữa tháng 3, khi thời tiết ấm dần, sâu ong sẽ trưởng thành nhanh, vũ hóa và đẻ trứng; sâu non sẽ gây hại mạnh vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4/2012. Đối với loại sâu bệnh này, huyện Chợ Đồn đã tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin tới người dân; đồng thời chỉ đạo các ngành, các địa phương phối hợp chặt chẽ, đôn đốc nhân dân tiến hành vệ sinh dưới tán rừng, tỉa cành, phát dọn đường băng tạo thuận lợi cho đi lại, kiểm tra; đồng thời tuân thủ đầy đủ các biện pháp kỹ thuật đã được ngành chuyên môn hướng dẫn để hạn chế sâu ong lây lan trên diện rộng, gây thiệt hại cho nhân dân…/.