Chợ Đồn sẵn sàng kích hoạt mô hình Trạm Y tế lưu động

 
Hoạt động triển khai tiêm Vắc xin phòng Covid -19 tại các xã, thị trấn.

Theo hướng dẫn tại kế hoạch 144/ KH – UBND, ngày 20 tháng 10 năm 2021 của UBND huyện đã ban hành về thiết lập, triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động trong bối cảnh dịch COVID-19, các xã thị trấn sẽ thiết lập Trạm Y tế lưu động khi có chủ trương cách ly điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà của cấp có thẩm quyền. Ủy ban nhân dân huyện ban hành Quyết định thành lập Trạm Y tế lưu động tại địa phương, Quyết định này đồng thời là Giấy phép hoạt động của Trạm Y tế lưu động. Trạm Y tế lưu động có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng, kết nối giữa chăm sóc, quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, cấp cứu, chuyển tuyến kịp thời đối với người bệnh diễn biến nặng. Quản lý điều trị người nhiễm COVID-19 không triệu chứng và các bệnh thông thường khác cho người dân trên địa bàn được giao.

Tùy theo tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tại mỗi xã/thị trấn có thể thiết lập một hoặc nhiều Trạm Y tế lưu động, đảm bảo mỗi cụm dân cư có khoảng 50-100 trường hợp nhiễm COVID-19 được cách ly tại nhà thì có một Trạm Y tế lưu động. Một Trạm Y tế lưu động được giao phụ trách một cụm dân cư, có thể là các thôn/tổ dân phố của các xã, thị trấn khác nhau, không phụ thuộc địa giới hành chính. Ủy ban nhân dân xã, thị trấn chọn một cơ sở phù hợp cho Trạm Y tế lưu động làm việc (có thể lựa chọn nhà văn hóa thôn/tổ dân phố, trường học, trung tâm thể thao, cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn…). Trong trường hợp trên địa bàn không thể chọn được các cơ sở sẵn có thì xem xét làm nhà dã chiến, nhà di động để phục vụ cho Trạm hoạt động. Cơ sở làm việc tối thiểu phải bố trí nơi trực, nơi tiếp đón, nơi khám và tư vấn, nơi nằm theo dõi cho người dân trong trường hợp cần thiết, khu vệ sinh, tắm rửa, có nước sạch, điện, có thu gom rác thải y tế và có chỗ ngủ cho nhân viên y tế. Mỗi Trạm Y tế lưu động có tối thiểu 05 nhân viên y tế, trong đó có ít nhất 01 bác sỹ phụ trách, còn lại là điều dưỡng, y sỹ và các nhân viên y tế khác; có tối thiểu 01 nhân viên y tế nắm rõ địa bàn dân cư được giao. Ngoài nhân viên y tế trong biên chế, có thể huy động sự tham gia của đội ngũ y tế tư nhân, nhân viên y tế đã nghỉ hưu trên địa bàn. Trong trường hợp nguồn nhân lực y tế tại địa phương không đáp ứng đủ, huy động thêm nhân viên y tế và các tình nguyện viên từ địa phương khác. Ngoài nhân viên y tế, chỉ đạo chính quyền cấp xã huy động thêm các nhân lực khác trên địa bàn như: Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xã, thị trấn, thôn/tổ dân phố… để tham gia hỗ trợ nhân viên y tế về dẫn đường, trực điện thoại, kết nối với các hộ gia đình và các hoạt động cần thiết khác của Trạm Y tế lưu động.  Đồng thời, có phương án trang bị phương tiện, thiết bị, danh mục thuốc thiết yếu phục vụ phòng, chống Covid-19 theo quy định; lên phương án thiết lập đường dây nóng của trạm y tế để tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân mắc Covid-19 trong nhóm phụ trách, phản ứng kịp thời trong tình huống diễn biến bất thường, diễn biến nặng. Xây dựng phương án cụ thể, huy động phương tiện sẵn có tại địa phương để vận chuyển các trường hợp mắc Covid-19 diễn biến nặng lên tuyến trên nhanh nhất./.

Bài trướcNHCSXH huyện Chợ Đồn trao tặng máy tính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nghĩa Tá.
Bài tiếp theoTriển khai thực hiện các biện pháp khống chế, khoanh vùng, dập tắt các ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện