![]() |
Các sản phẩm OCOP của huyện đã được trưng bày, quảng bá, giới thiệu tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh |
Chợ Đồn được đánh giá là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh có tiềm năng về phát triển các mô hình sản xuất nông – lâm nghiệp. Những năm gần đây, huyện đã quy hoạch và phát triển được một số vùng trồng cây đặc sản như: Cam, quýt tại xã Đồng Thắng, Phương Viên; cây hồng không hạt tại xã Đồng Lạc, Tân Lập, Quảng Bạch; cây chè Shan tuyết ở xã Bằng Phúc…Đến hết năm 2019, huyện đã xây dựng và phát triển được 14 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, một số sản phẩm được khách hàng đánh giá cao và đã tạo được thương hiệu trên thị trường trong nước như: Gạo Japonica, cơm cháy gạo nếp nương, bún khô… Các sản phẩm này đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân và tạo sự thay đổi rõ rệt về hạ tầng kinh tế – xã hội ở khu vực nông thôn.
Tính riêng năm 2020, huyện tiếp tục có 6 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh, gồm:Trà Shantuyết Ngọc Thắng – Công ty TNHH chế biến nông sản và dược liệu Ngọc Thắng; Khẩu Sli – cơ sở Nông Hồng Quyên; Khau Nhục Hồng Quân – Cơ sở Nguyễn Thị Nhung; Mật ong rừng Yên Thượng – HTX Yến Nghiệp; Khẩu Nua Pái – Cơ sở Nông Văn Phương; Trà Hoa vàng – HTX Hòa Thịnh.
Chị Nguyễn Thị Nhung ở tổ 5, thị trấn Bằng Lũng từ năm 2014 đã đưa các món ăn đặc trưng của địa phương thành những sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường. Món Chân giò hầm Hồng Quân của cơ sở chị sản xuất đã đạt OCOP 3 sao vào năm 2018. Mới đây, sản phẩm Khâu nhục của chị cũng đã đạt 3 sao ở cấp tỉnh. Chị Nhung chia sẻ, để những món ăn của cơ sở sản xuất ngày càng đáp ứng nhu cầu của thị trường, chị đã luôn chú trọng nâng cao chất lượng của sản phẩm, chọn nguyên liệu tươi ngon, được lựa chọn kỹ càng. Khi chế biến kết hợp các loại gia vị để món ăn có hương vị hoàn hảo nhất phù hợp với tất cả khách hàng. Bên cạnh đó, cơ sở cũng luôn đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Chị cũng chú ý tới việc thay đổi mẫu mã, bao bì sản phẩm để thu hút khách hàng. Mỗi ngày, cơ sở của chị Nguyễn Thị Nhung đã xuất bán hàng trăm xuất chân giò hầm và Khâu nhục phục vụ thị trường trong và tỉnh, như TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nghệ An…Chị cũng mong muốn có thêm nhiều điều kiện để phát triển sản phẩm của mình.
Để đạt được kết quả này, bên cạnh sự nỗ lực đổi mới của các HTX, các cơ sở sản xuất, huyện đã quan tâm tới việc xây dựng, liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua việc mở gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm OCOP tại thị trấn Bằng Lũng, lồng ghép tổ chức các phiên chợ đêm tại những sự kiện văn hóa lớn. Bên cạnh đó, huyện cũng hỗ trợ kinh phí xây dựng tem, nhãn mác, bao bì; Tổ chức thăm quan học tập kinh nghiệm từ các mô hình đã thực hiện thành công ở trong và ngoài tỉnh; Tạo điều kiện cho các HTX, cơ sở sản xuất tham dự các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại tại một số tỉnh thành trong cả nước…
Việc phát triển các sản phẩm OCOP đã góp phần quan trọng vào phát huy thế mạnh của địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, tăng thêm thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện. Song song với đó, còn thay đổi tư duy của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đẩy mạnh thực hiện chương trình nông thôn mới. Tới đây, huyện Chợ Đồn sẽ tiếp tục phát triển đa dạng các sản phẩm OCOP, nâng hạng các sản phẩm, tăng cường quảng bá, liên kết tiêu thụ để mở rộng thị trường cũng như phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng./.