Chợ Đồn người chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá thịt hơi giảm

 Người chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá thịt hơi giảm sâu, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Gia đình bà Hoàng Thị Én, ở thôn Phiêng Liềng 2, xã Ngọc Phái là một trong những hộ đã duy trì chăn nuôi lợn từ nhiều năm nay, hàng năm luôn nuôi lợn thịt từ 20 đến 30 con/ lứa. Để tiết kiệm chi phí mua lợn giống, gia đình bà Én đầu tư nuôi 6 con lợn nái, do đó, nguồn lợn giống vừa phục vụ gia đình nuôi vừa được bán ra thị trường. Theo bà Én, trong tháng 9/2021 gia đình xuất chuồng 10 con lợn thịt với trọng lượng gần 1 tấn, giá bán 50.000đ/kg, tính ra chỉ đủ tiền mua con giống, không có lãi. Từ thực tế giá lợn hơi giảm sâu, giá thức ăn chăn nuôi tăng từng ngày, bà Én đã phải tạm dừng chăn nuôi lợn thịt hiện tại chỉ duy trì 6 lợn nái và 2 lợn đực giống.

Còn với gia đình bà Tô Thị Ơn, thôn Phiêng Liềng 1, xã Ngọc Phái, hiện tại đang nuôi 17 con lợn thịt, trung bình mỗi con khoảng 40 đến 50kg và 3 con lợn nái. Hình thức chăn nuôi của gia đình hoàn toàn từ thức ăn công nghiệp, tuy nhiên do giá thức ăn trên thị trường tăng cao, ví dụ trước đây gia đình mua là 280.000đ thì nay đã tăng lên 340.000đ/1bao. Ảnh hưởng từ giá lợn hơi giảm và giá thức ăn chăn nuôi tăng, gia đình bà Ơn gặp nhiều khó khăn, có thời điểm đã chuyển sang chăn nuôi lợn bằng cám gạo, ngô nhưng hiệu quả thấp, do đó hiện nay gia đình vẫn tiếp tục nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Thời gian tới, nếu giá lợn hơi tiếp tục giảm sâu như hiện nay thì việc chăn nuôi lợn của gia đình sẽ bị thua lỗ.

Những khó khăn của gia đình bà Hoàng Thị Én và Tô Thị Ơn, xã Ngọc Phái cũng đang là tình trạng chung mà đa phần các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện gặp phải. Nếu như trước đây có thời điểm giá lợn hơi lên trên 70.000đ/1kg thì hiện nay còn hơn 40.000đ/1kg, giá lợn thấp, sản phẩm tiêu thụ chậm nhưng giá thức ăn chăn nuôi tăng khiến nhiều hộ chăn nuôi bị thua lỗ và e ngại khi lựa chọn chăn nuôi lợn. Có những hộ đã bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi vừa mới thực hiện tái đàn thì nay giá lại thấp. Theo đó, trong những tháng trở lại đâynhiều hộ chăn nuôi lợn tìm cách giảm bớt chi phí như giảm thức ăn công nghiệp bằng cách cho ăn thêm các loại thức ăn sẵn có ở địa phương; nhiều hộ gia đình từ chăn nuôi số lượng lớn đến nay chỉ nuôi vài con để tận dụng thức ăn thừa, một số hộ chuyển hướng sang chăn nuôi gia cầm và một số vật nuôi khác.

Không chỉ người chăn nuôi lợn gặp khó khăn, ngay cả các cửa hàng, đại lý thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện cũng bị ảnh hưởng. Nguyên nhân một phần do dịch bệnh tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp khiến nhiều hộ dân không dám tái đàn, mặt khác giá thức ăn chăn nuôi tăng nhanh nên nhiều người chuyển sang chăn nuôi theo kiểu truyền thống, dó  đó việc tiêu thụ chậm. Trung bình mỗi bao thức ăn công nghiệp tăng trên 50.000 đồng so với năm trước, có loại tăng đến trăm nghìn đồng. Thời điểm này, người chăn nuôi cũng như các cửa hàng kinh doanhthức ăn chăn nuôimong dịch bệnh sớm được đẩy lùi, giá thức ăn giảm xuống để công việc kinh doanh trở lại bình thường.Bên cạnh đó, những người bán thịt lợn thương phẩm tại các chợ cũng chịu tác động sâu sắc với khó khăn kép mặc dù giá thịt lợn giảm nhưng sức mua người dân cũng có phần giảm hơn so với trước.

Thống kê tổng đàn lợn toàn huyện hiện có gần 20.000 con, thời gian qua chăn nuôi lợn là lĩnh vực quan trọng cho phát triển kinh tế của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, hiện nay người chăn nuôi tại các địa phương lại đang gặp khó khăn kép vì dịch bệnh, giá bán thấp trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Cụ thể, từ ngày 07/3-14/9 số lợn mắc Dịch tả lợn Châu Phi phải thực hiện tiêu hủy là 175 con tại 09 xã, với trọng lượng trên 7.000 kg.

Do đó, để duy trì tổng đàn lợn, góp phần nâng cao nguồn thu nhập của người dân các cấp, các ngành chức năng của huyện đã đưa ra một số giải pháp hỗ trợ giúp người dân khôi phục sản xuất sau dịch bệnh. Trong đó, quan tâm triển khai hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, khuyến khích các hộ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ dân về thực hiện tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi và tuân thủ các biện pháp phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, khi dịch bệnh xảy ra phải thực hiện tốt việc khai báo cho chính quyền và ngành chức năng; tại các địa phương đang có dịch tăng cường kiểm tra, giám sát việc tiêu hủy lợn mắc bệnh theo hướng dẫn, kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành quy định…

Bài trướcHội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, HTX nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam
Bài tiếp theoUBND huyện tổ chức Hội nghị công bố các Quyết định về công tác cán bộ