Năm 2011, ảnh hưởng của các cơn bão số 1, số 2, bão NOCKTEN, NESAT và một số đợt áp thấp đã gây ra mưa lớn, lũ quét, làm thiệt hại nhiều diện tích sản xuất, tài sản của người dân cũng như các công trình giao thông, trường học, thủy lợi của địa phương. Tổng thiệt hại do mưa bão, lũ lụt gây ra trên địa bàn huyện năm vừa qua ước tính khoảng 1,7 tỷ đồng. Song với sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, các ban ngành chức năng, công tác phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) đã được thực hiện hiệu quả, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ngay từ đầu năm, huyện đã chỉ đạo việc kiện toàn các thành viên Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện cũng như thường xuyên đôn đốc việc xây dựng Phương án PCLB-TKCN của huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng thường xuyên chỉ đạo Ngành Nông nghiệp huyện phối hợp với các ban ngành liên quan kiểm tra, tu sửa hệ thống các công trình thủy lợi trước mùa mưa bão. Mỗi địa phương, đơn vị căn cứ trên phương án chung của huyện để xây dựng kế hoạch thực hiện cho đơn vị, sẵn sàng đối phó khi có thiên tai xảy ra.
Dưới sự chỉ đạo của cấp Ủy, chính quyền, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện đã chủ động kiểm tra, vận động người dân di dời khỏi những vùng có nguy cơ sạt lở; đông thời động viên, chỉ đạo nhân dân chủ động đối phó với thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ – “Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện, kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ”. Sau khi lũ lụt xảy ra, UBND huyện đã chỉ đạo chính quyền các xã chủ động chi kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách xã để khắc phục hậu quả lũ lụt, sửa chữa các tuyến đường giao thông, nạo vét kênh mương, tu bổ phai tạm… để nhanh chóng khôi phục, ổn định sản xuất. Tổng kinh phí các địa phương đã đầu tư hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt là trên 1 tỷ đồng.
Tại Hội nghị tổng kết, các địa phương đã chia sẻ và đưa ra những bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác PCLB-TKCN những năm vừa qua; trong đó, công tác chuẩn bị đóng vai trò quan trọng. Từ việc chuẩn bị phương án đối phó, chuẩn bị nguồn nhân lực, kinh phí đều phải được thực hiện sớm, chủ động. Việc phân công nhiệm vụ cụ thể và hợp lý cho từng thành viên Ban Chỉ huy, Ban Chỉ đạo các cấp cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai. Bên cạnh đó, công tác thông tin, cảnh báo, tuyên truyền phổ biến kiến thức đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao ý thức phòng chống thiên tai của nhân dân.
Tuy nhiên, do địa hình nhiều đồi núi, nhân dân chủ yếu sống dưới chân núi, bờ sông – là những địa bàn có nguy cơ lũ quét, sạt lở cao nên việc phòng tránh, đối phó với lụt bão đôi khi còn bị động. Bên cạnh đó, nguồn lực cho công tác phòng chống lụt bão còn nhiều hạn chế về cả nhân lực, phương tiện cũng như tài chính cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả công tác PCLB-TKCN thời gian qua.
Tại Hội nghị này, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện đã xây dựng phương hướng nhiệm vụ trong năm 2012, trong đó tập trung vận động, tuyên truyền để mọi tổ chức, đoàn thể và nhân dân nhận thức sâu sắc nhiệm vụ “chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả” với thiên tai, bão lũ; tiếp tục chú trọng, lấy công tác “Phòng” là chính, đảm bảo an toàn tuyệt đối tài sản của Nhà nước, của cải vật chất và tính mạng của nhân dân; chuẩn bị tốt mọi điều kiện để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” khi có thiên tai xảy ra.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nông Quang Nhất – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy nhấn mạnh: Các cấp Ủy, chính quyền cũng như các ban ngành, đoàn thể phải coi công tác PCLB-TKCN là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, thực hiện tốt từ khâu chuẩn bị đến khâu ứng phó, khắc phục hậu quả.
Năm 2012 được dự báo là năm thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Để công tác PCLB-TKCN năm 2012 tiếp tục phát huy hiệu quả, đồng chí Phó Bí thư Thường trực đề nghị các xã, thị trấn khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo PCLB-TKCN của địa phương, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Ban Chỉ huy, Ban Chỉ đạo PCLB-TKCN các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng kiên quyết di dời các hộ dân tại những địa bàn có nguy cơ sạt lở ra vị trí an toàn; đồng thời chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, phát huy tối đa nguồn lực địa phương trong công tác đối phó và khắc phục hậu quả thiên tai./.