![]() |
Người dân xã Xuân Lạc chăm sóc trâu trong mùa đông |
Thống kê, toàn huyện hiện có gần 8.000 con trâu, bò, 270 con ngựa, trên 2.300 con dê, gần 20.000 con lợnvà trên 285.000 con gia cầm. Thời gian qua, công tác chăn nuôi đã trở thành một trong những hướng đi phát triển kinh tế bền vững của các hộ gia đình nên ý thức trong bảo vệ, phòng, chống rét cho đàn vật nuôi của bà con nông dân đã được nâng lên. Theo ông Ma Thế Quốc, Chủ tịch UBND xã Lương Bằng thì sau khi thu hoạch lúa mùa, bà con nông dân đã chủ động dự trữ nguồn rơm, trồng thêm cỏ voi. Chuồng trại được các hộ dân dùng bạt quây chống rét và thường xuyên dọn vệ sinh. Con trâu là khối tài sản lớn của mỗi gia đình, do đó, để đàn gia súc khỏe mạnh, người dân đã tăng cường các loại thức ăn thô, tinh và chủ động thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh theo khuyến cáo của cơ quan Thú y. Khi thời tiết rét đậm, rét hại không thả trâu ra ngoài mà nhốt trong chuồng được quây kín gió, cung cấp đủ thức ăn cho trâu,nhờ đó, đàn trâu của gia đình duy trì phát triển tốt.
Thực tế, những năm trở lại đây, số lượng trâu, bò bị chết rét trên địa bàn huyện giảm rõ rệt. Sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo và thay đổi trong nhận thức của người dân chính là nhân tố giúp bảo vệ tốt đàn gia súc trên địa bàn. Kinh nghiệm cho thấy, nếu huy động được hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động một cách tích cực, chủ động sẽ mang lại chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân. Vì thế, để làm tốt công tác phòng, chống rét cho đàn gia súc và cây trồng vụ đông, ngày 22/10 UBND huyện ban hành Kế hoạch số 145/KH-UBND về phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi vụ Đông xuân 2021-2022. Theo đó, đối với vật nuôi, khuyến cáo, chỉ đạo nhân dân thực hiện che chắn chuồng trại, sưởi ấm cho vật nuôi, bảo đảm chuồng trại kín, khô, ấm. Dự trữ toàn bộ rơm khô sau khi thu hoạch lúa mùa,bảo vệ, chăm sóc diện tích cỏ trồng qua đông, đảm bảo cung cấp thức ăn thô xanh cho trâu, bò trong những ngày giá rét. Bổ sung nguồn thức ăn tinh, cháo nóng, khoáng và vi-ta-min để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Không thả rông trâu, bò trong rừng, thường xuyên chăn dắt và chiều tối đư về chuồng. Những ngày mưa rét, nhiệt độ thời tiết xuống dưới 100C không chăn thả gia súc và cho ăn thức ăn dự trữ tại chuồng. Các xã, thị trấn cử nhân viên thú y, công chức nông lâm chủ động kiểm tra, nắm bắt tình hình và hướng dẫn nhân dân cách phòng, chống rét, đói. Chủ động tiêm phòng cho đàn gia súc theo quy định của cơ quan thú y để đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Đối với cây trồng, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện gieo trồng đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích trồng cây màu vụ đông; ưu tiên các chân đất tốt, chủ động nước để gieo trồng các cây, như: Khoai tây, khoai lang, rau các loại…Trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại: Đối với rau, màu, thuốc lá, áp dụng biện pháp kỹ thuật chăm bón cho cây khỏe để tăng cường khả năng chống rét; Những ngày có sương muối áp dụng biện pháp kỹ thuật tưới rửa sương bằng nước giếng vào buổi sáng sớm, phun thuốc để phòng bệnh mốc sương cho cây khoai tây. Đối với diện tích gieo mạ vụ xuân phải áp dụng các biện pháp che phủ nilon, phủ bằng tro rơm rạ để giữ ấm, ẩm cho ruộng mạ, tưới nước thường xuyên không để ruộng mạ khô hạn và không bón phân đạm trong những ngày rét. Không gieo mạ khi nhiệt độ dưới 150C, áp dụng các phương pháp làm mạ nền; tích cực triển khai các biện pháp chống hạn cho cây trồng, tăng cường công tác nạo vét kênh mương, tu sửa các công trình thủy lợi đảm bảo đủ nguồn nước tưới cho diện tích cây trồng. Những diện tích đất lúa không đảm bảo nguồn nước tưới kiên quyết chỉ đạo chuyển sang trồng cây khác như ngô, đậu tương. Đối với cây giống lâm nghiệp trong vườn ươm: Cần có các biện pháp che chắn chống rét cho cây khi nhiệt độ xuống dưới 150C, hàng ngày vào sáng sớm và chiều tối tưới nước giữ ẩm cho cây.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống rét cho gia súc và cây trồng vụ đông,hiện nay các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo và phân công các thành viên phụ trách từng thôn, tổ, chủ động kiểm tra, nắm bắt tình hình và hướng dẫn nhân dân cách phòng, chống rét, chống đói, cho đàn súc cũng như diện tích cây trồng, hạn chế thiệt hại do rét gây ra.
Trước những diễn biến bất thường của thời tiết đã ảnh hưởng đến sản xuất, chăn nuôi của người dân, trong năm 2020 trên địa bàn huyện đã xuất hiện bệnh Viêm da nổi cục, Dịch tả lợn Châu Phi, Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng trên đàn vật nuôi.Do đó, thời điểm này, cùng với công tác phòng chống rét, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi như thực hiện nghiêm công tác tiêm phòng, phun thuốc khử trùng tiêu độc và các biện pháp phòng chống dịch khác theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.
Với các giải pháp tích cực, chủ động trong công tác phòng, chống rét huyện Chợ Đồn quyết tâm thực hiện hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thời tiết gây ra trên đàn vật nuôi và diện tích cây trồng vụ đông.