![]() |
Sinh hoạt định kỳ của nhóm VSLA thôn Nà Khe xã Phương Viên |
Có mặt tại một buổi họp định kỳ của nhóm VSLA thôn Nà Khe xã Phương viên huyện Chợ Đồn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước cách làm rất bài bản, khoa học của các thành viên trong nhóm. Sau khi các thành viên có mặt đầy đủ, két sắt có 3 ổ khóa nhỏ (do 3 chị trong nhóm quản lý) được mở ra.
Bắt đầu hoạt động từ tháng 6 năm 2018 đến nay “Nhóm cổ phần tài chính tự quản” chi hội phụ nữ thôn Nà Khe đã có 26 thành viên tham gia và Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn làm Chủ nhiệm, phụ trách hoạt động của nhóm. Sở dĩ nhóm mang tên “Nhóm cổ phần tài chính tự quản” là vì toàn bộ thành viên là hội viên chi hội phụ nữ, tự trang trải và quản lý nguồn vốn để hoạt động trên cơ sở tự nguyện tham gia. Phương thức hoạt động là các thành viên trong nhóm tiết kiệm và cho vay tự chủ, độc lập với quy chế do chính các thành viên của nhóm xây dựng, thông qua hình thức mua cổ phần. Ban chủ nhiệm cùng các thành viên đã bàn bạc thảo luận và đề ra quy ước hoạt động quản lý tốt vốn cổ phần tham gia. Định kỳ hàng tháng, nhóm sẽ tổ chức sinh hoạt 2 lần vào mùng 1 và 15 hàng tháng, tại đây các thành viên sẽ đóng tiền tiết kiệm tùy theo nguồn thu nhập của gia đình trong đó mỗi chị sẽ được tiết kiệm với mức 25.000 đồng 1 cổ phần, tối đa mỗi tháng được đóng góp 10 cổ phần. Từ nguồn vốn trên, các thành viên trong nhóm có hoàn cảnh khó khăn được vay từ 3 triệu đến 6 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm và mua giống cây hoặc dùng để đóng tiền học phí cho con. Thời hạn vay tối đa 6 tháng, phải hoàn trả lại tiền gốc đã vay cùng với lãi suất 0,5% /tháng. Qua đó, đã giúp cho nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Những năm trở lại đây, gia đình chị Triệu Thị Uyên gặp nhiều khó khăn do chồng chị bị tai nạn với tỷ lệ thương tật khá nặng. Một tay gánh vác gia đình, đã nhiều lúc chị không tránh khỏi túng bẫn do không có tiền để đầu tư phát triển kinh tế. Từ cuối năm 2018 đến nay, sau khi tham gia và được vay vốn từ “ Nhóm cổ phần tài chính tự quản” của Chi hội phụ nữ thôn Nà Khe cùng với số tiền tích góp được, chị đã tích cực chăm lo phát triển kinh tế và đến nay cuộc sống đã có nhiều cải thiện. Xuất phát từ nhu cầu vay vốn do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, chị Nguyễn Thị Hội cũng đã tham gia hoạt động của “ Nhóm cổ phần tài chính phụ nữ tự quản” thôn Nà Khe được gần 1 năm nay. Với số tiền được vay quay vòng chị đã đầu tư chăn nuôi gà và phát triển vườn rừng để vươn lên thoát nghèo.
![]() |
Chị Triệu Thị Uyên đã 4 lần được vay vốn VSLA để hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế gia đình. |
Đến nay, sau một năm hoạt động, “Nhóm cổ phần tài chính phụ nữ tự quản” thôn Nà Khe đã có 23 lượt chị em được vay vốn để hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, với nguồn vốn trên chị em đã có sinh lời và góp phần phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, nhóm còn trích một phần từ tiền lãi để làm quỹ tương trợ, nhằm có nguồn để thăm hỏi, động viên các thành viên trong nhóm khi ốm đau, khó khăn, hoạn nạn. Theo Chủ nhiệm nhóm La Thị Thư cho biết: Tổng kết sau 1 năm hoạt động, đã có 26 thành viên với cổ phần đạt gần 50 triệu đồng. Số tiền sinh lời được chia đều theo cổ phần của các thành viên tham gia. Từ nguồn quỹ do chính các thành viên tiết kiệm, vốn sẽ được quay vòng cho thành viên chủ yếu là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn cần vay vốn phát triển kinh tế và từ nguồn vốn hỗ trợ nhiều chị em đã từng bước thoát nghèo.”
Chị Hoàng Thị Kim Túy – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Phương Viên cho biết: Ưu điểm của nhóm VSLA chính là các thành viên vừa là người cho vay và được vay thuận lợi. Qua đó giúp các chị em biết tính toán chi tiêu một cách khoa học, hiệu quả. Nhóm VSLA thôn Nà Khe là nhóm đầu tiên của hội phụ nữ huyện Chợ Đồn và xã Phương Viên thí điểm thực hiện. Từ hiệu quả tích cực của mô hình, từ tháng 4 năm 2019 đến nay , Hội phụ nữ xã Phương Viên đã triển khai nhân rộng mô hình ở các chi hội thôn Cốc Phường, thôn Choong và thôn Khuổi Quân. Hiện nay đã có 4 mô hình “Nhóm cổ phần tài chính tự quản” ở xã Phương Viên thu hút gần 90 thành viên tham gia.
Chị Hoàng Thị Thảo – Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Chợ Đồn cho biết: Các buổi họp định kỳ của nhóm là kênh hữu hiệu để truyền tải các chủ trương, chính sách phát luật cũng như các chương trình của nhà nước tới cộng đồng. Qua mô hình VSLA, chị em được tăng cường vị thế, vai trò và tiếng nói trong các tiến trình lập kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Tại huyện Chợ Đồn, mô hình bắt đầu được triển khai từ giữa năm 2018 và đến nay mô hình “Nhóm cổ phần tài chính tự quản”đã được triển khai tại 5 xã Bằng Phúc, Rã Bản, Phương Viên, Đông Viên, Ngọc Phái với sự tham gia của 178 hội viên. Mặc dù, với nguồn vốn cho vay còn ít do cuộc sống của chị em vùng cao nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với mục đích sử dụng vốn vay có hiệu quả đồng thời đóng tiết kiệm đúng thời gian quy định đã giúp cho chị em phụ nữ đặc biệt là phụ nữ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số biết cách sử dụng đồng tiền đúng mục đích để tạo dựng nguồn tài chính và phát triển kinh tế cho gia đình. Đây cũng là một hình thức cụ thể hóa việc học theo lời Bác rất thiết thực của chị em phụ nữ trong huyện./.