Chị Nông Thị Tâm – năng động trong phát triển kinh tế

 

 

 Mô hình nuôi lợn áp siêu của chị Nông Thị Tâm, xã Bằng Phúc

 

 

Chứng kiến gia trại chăn nuôi lợn của gia đình chị Tâm mới thấy được sự nỗ lực và ý chí vươn lên trong phát triển kinh tế của người phụ nữ này. Ban đầu, chị chỉ nuôi từ 20 con/ lứa, rồi tăng lên 40 con/ lứa; Nhờ sự đầu tư, chăn sóc đúng kỹ thuật nên đàn lợn của gia đình đã phát triển ổn định. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, cùng với sự tạo điều kiện của Hội Phụ nữ; Ngân hàng chính sách xã hội, gia đình chị đã từng bước vay vốn và đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi. Đến năm 2015, chị Tâm đã quyết định đầu tư mua khu đất rộng hơn 7000m2 để làm nhà và xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Khi xây dựng chuồng trại đúng quy cách, chị Tâm đã mạnh dạn đầu tư nuôi lợn áp siêu với số lượng lớn, và thực hiện hình thức chăn thẳng. Từ tháng 6 năm 2015 đến nay, gia đình chị thường xuyên duy trì đàn lợn thịt trên 200 con, tính trung bình 2 năm chị cho xuất chuồng 5 lứa lợn, trừ chi phí mỗi năm chị thu về từ 250 đến 300 triệu đồng. Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí mua lợn con, chị Tâm đã nuôi thêm lợn giống, với mục tiêu sản xuất ra giống lợn phù hợp với khí hậu ở địa phương và thuận lợi trong chăn nuôi.

Theo chị Tâm, để có kỹ thuật trong việc chăm sóc phòng và chữa bệnh cho đàn lợn, chị Tâm đã đã chịu khó học hỏi, tìm hiểu kinh nghiệm từ nhiều kênh thông tin khác nhau; tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi của tổ chức Hội để tích lũy thêm kinh nghiệm áp dụng cho chăn nuôi lợn gia đình. Hiện tại việc phòng bệnh và chữa bệnh cho đàn lợn đã chủ động và khoa học hơn trước. Với chị nuôi lợn không quá khó, điều cần thiết nhất là phải thực hiện tốt công tác vệ sinh, giữ cho nhiệt độ chuồng nuôi hợp lý, tránh để chuồng trại ẩm thấp, dễ phát sinh mầm bệnh… Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, gia đình chị Tâm đã xây dựng quy mô chuồng trại khép kín.

 Do được chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật nên đàn lợn của

chị Nông Thị Tâm phát triển tốt

 

          Với quy mô hệ thống chuồng trại rộng, đảm bảo vệ sinh, thức ăn cho lợn được chế biến đúng kỹ thuật, phù hợp theo từng tháng tuổi của lợn nên đàn lợn của gia đình chị Tâm luôn khỏe mạnh, tăng trưởng nhanh. Tính toán tránh rủi do trong chăn nuôi, chị Tâm lựa chọn loại cám chăn nuôi tại những công ty có thương hiệu, uy tín nên việc tiêu thụ lợn của gia đình chị rất thuận lợi, được thương lái tìm đến tận nhà để thu mua.

Chị Mùng Thị Huệ, chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Bằng Phúc, cho biết: “Phong trào nuôi lợn của hội viên phụ nữ trên địa bàn xã đã phát triển từ nhiều năm nay, đã có nhiều chị vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Đặc biệt, với Chị Nông Thị Tâm, Hội đánh giá rất cao vì chị là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng”

Từ những thành công bước đầu, chị Tâm luôn sẵn sàng tạo điều kiện giúp đỡ những hội viên có nhu cầu về kiến thức chăn nuôi; hướng dẫn sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để chị em vươn lên phát triển kinh tế gia đình; góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn, xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo./.

Bài trướcQuýt Bắc Kạn – sản phẩm nông nghiệp “sạch”
Bài tiếp theoBàn giao nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách xã Yên Nhuận