Cây Đào toáng cần được bảo tồn và phát triển

Cây đào toáng phát triển tốt ở điều kiện tự nhiên có độ cao từ 600m 1.200m so với mặt biển; khí hậu mát về mùa hè và lạnh về mùa đông. Không rõ cây Đào toáng được người dân vùng cao nơi Bản Lồm, Lũng Noong, Phiêng Đén, Nà Lịn trồng từ bao giờ. Cây thường ra hoa vào tháng 2, quả chín vào cuối tháng 5 âm lịch; cây cho quả to hơn các loại đào khác, trung bình từ 6-8 quả/kg, khi chín có vị ngọt, giòn, thịt dầy, mùi thơm đặc trưng…. Tuy nhiên do không được quan tâm, bảo vệ, chăm sóc và phát triển nên các cây đào cổ thụ tại nương, vườn nhà đã bị người dân đào gốc để bán làm cây cảnh, một số cây còn lại bị già cỗi, sâu bệnh do vậy giống đào này có nguy cơ thoái hóa và tuyệt chủng.

 Cây đào toáng sau trồng 5 năm của hộ anh Triệu Hữu Quan, thôn Nà Lịn, xã Tân Lập  

Trong những năm gần đây, thấy sản phẩm quả đào toáng có chất lượng tốt, từ năm 2013 đến nay, gia đình anh Triệu Hữu Quan thôn Nà Lịn, xã Tân Lập đã tự tìm cách nhân giống từ những cây đào toáng cổ thụ bằng các phương pháp giâm rễ, chiết cành và ghép mắt để trồng được 40 cây, sau trồng 4- 5 năm cây cho quả, năm 2018 thu được khoảng từ 4-5kg quả/cây, gia đình anh bán cho các tư thương ở Tuyên Quang, Bằng Lũng với giá 25.000 đồng/kg, thu được hơn 5,0 triệu đồng, chất lượng quả đào được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhưng do chưa có kỹ thuật chăm sóc, thâm canh nên vườn đào của hộ gia đình bị sâu, bệnh hại làm nứt khô thân, một số cây đã bị chết.

Hiện nay, nhận thấy với sự phát triển của thị trường, người tiêu dùng ưa chuộng những sản phẩn chất lượng cao; sản phẩm quả đào có giá trị về dinh dưỡng, y học, hoa đào toáng cho giá trị về thẩm mỹ tinh thần tao nhã trong lĩnh vực du lịch khám phá; đặc biệt là nhằm bảo tồn nguồn gen giống cây đào toáng địa phương để nhân giống và xây dựng mô hình trồng cây đào toáng tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương xã, huyện theo đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Vừa qua Trung tâm dịch vụ nông nghiệp đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện đề xuất với Hội đồng Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn đề tài “Bảo tồn và phát triển giống cây đào toáng tại thôn Lũng Noong xã Nam Cường huyện Chợ Đồn”./.

Bài trướcCác cấp công đoàn huyện Chợ Đồn tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam
Bài tiếp theoCông an huyện Chợ Đồn lắng nghe ý kiến nhân dân và đối thoại về thủ tục hành chính