Nằm trong vùng trọng điểm sản xuất chè của huyện Chợ Đồn, cây chè nói chung và cây chè Shan tuyết nói riêng luôn gắn bó mật thiết với người dân xã Bằng Phúc. Được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu cây chè là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân ở địa phương. Cùng với các sản phẩm khác chè Shan tuyết Bằng Phúc đã được người tiêu dùng biết đến là một trong những sản phẩm mang đậm nét đặc trưng của sản xuất nông nghiệp vùng cao. Tuy nhiên, để vươn tới sản phẩm chè an toàn, có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Từ tháng 01 năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn phối hợp với Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc triển khai xây dựng mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Phiêng Phung, xã Bằng Phúc với diện tích 10 ha và 20 hộ dân tham gia. Sau khi được đầu tư chăm sóc, bón phân theo quy trình VietGAP cây sinh trưởng phát triển tốt. Một số chỉ tiêu theo dõi 2 tác nhân gây hại chính cây chè là tỷ lệ bọ xít muỗi đã giảm 90%, hiện ở mức không hoặc ít gây hại chè, rầy xanh dưới ngưỡng cho phép, các loại sâu bệnh khác không xuất hiện. Mật độ búp đạt 150 – 200 búp/m2 tăng gấp 2 lần, năng suất tăng 30 – 50% so với sản xuất truyền thống. Kết quả phân tích đánh giá một số thành phần sinh hóa sản phẩm chè búp khô đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất chè đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau khi được công nhận tiêu chuẩn VietGAP giá bán được tăng thêm từ 50 đến 100.000 đồng/kg chè khô. Ông Đàm Hữu Quân nhóm trưởng mô hình sản xuất chè VietGAP cho biết: Khó khăn khi bắt đầu triển khai mô hình là các hộ tham gia đang sản xuất chè theo phương thức truyền thống, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất và chế biến chè chưa đáp ứng được yêu cầu theo kỹ thuật mới , bà con cũng chưa có thói quen ghi chép sổ nhật ký nông hộ. Tuy nhiên, sau khi được tập huấn cách trồng, chăm sóc, chế biến chè an toàn theo quy trình VietGAP đến nay bà con đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất từ khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái, bảo quản, chế biến để đưa ra thị trường sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap là hướng đi tất yếu trong nông nghiệp hiện nay. Việc áp dụng các kiến thức trong sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung đã dần giúp người dân thay đổi những hình thức canh tác lạc hậu, biết áp dụng những tiến bộ trong sản xuất, biết ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm chè, môi trường và sức khỏe.
![]() |
Kiểm tra cây chè Shan Tuyết chăm sóc theo quy trình VietGAP tại Bằng Phúc. |
Bà Hoàng Thị Hằng – Phó chủ tịch UBND xã Bằng Phúc cho biết: Hiện nay xã Bằng Phúc có hơn 300 ha chè Shan tuyết đang cho thu hoạch, sản lượng mỗi năm ước đạt khoảng 15 tấn chè khô. Có thể nói việc sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần thay đổi rõ rệt nhận thức của người trồng chè tại xã Bằng Phúc, mang lại những hiệu quả tích cực, sản lượng, chất lượng chè được nâng lên đáng kể. Cùng với đó thu nhập của người dân cũng được cải thiện. Tiếp tục phát huy tiềm năng thế mạnh của cây chè, trong thời gian tới xã Bằng Phúc sẽ tiếp tục tập trung triển khai mở rộng diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP tạo ra vùng sản xuất chè an toàn gắn với việc hỗ trợ, nâng cao năng lực thị trường cho người sản xuất, nâng cao vai trò liên kết các doanh nghiệp, tổ hợp tác với nông dân trong sản xuất nguyên liệu góp phần đưa hương vị đặc trưng của chè Bằng Phúc đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước.